Tiếng Việt | English

17/11/2021 - 17:03

Những kết quả quan trọng được thông qua tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 16 ngày, trong đó Quốc hội họp trực tuyến từ Điểm cầu Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 20/10 đến 30/10 và họp tập trung tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 8/11 đến ngày 13/11/2021. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian (làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật), linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, không khí thảo luận, chất vấn dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn, trách nhiệm, đa chiều, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Phiên họp tập trung tại Nhà Quốc hội

Tại kỳ họp này, trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, toàn diện, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với sự thống nhất rất cao 02 dự án luật, cho ý kiến 5 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết, trong đó có 11 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của Kỳ họp, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời, quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo luật định. Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; báo cáo công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Trước hết, về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 02 dự án luật và cho ý kiến 05 Dự án luật và một số nghị quyết chuyên đề

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê: Luật sửa đổi, bổ sung 02 điều có tính cấp thiết, rất căn bản, quan trọng của Luật Thống kê hiện hành (gồm Điều 17 và Điều 48), trong đó quy định rõ hơn về việc nâng cao vai trò trách nhiệm xây dựng quy trình biên soạn tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP của cơ quan thống kê Trung ương, thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội trong việc xem xét, quyết định việc đánh giá lại quy mô GDP; công khai, minh bạch phương pháp tính, nguồn số liệu, công bố thông tin thống kê; đồng thời, sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê từ 186 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự: Luật đã sửa đổi, bổ sung 06 điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và 01 điều của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự. Theo đó, cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không cần phải có yêu cầu của người bị hại; bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã (như đối với Công an phường, thị trấn, Đồn Công an); bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án “Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội; đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói riêng và phù hợp với tình hình thực tiễn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.

- Quốc hội cho ý kiến 05 Dự án luật, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Những dự án luật này sẽ được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua tại kỳ họp tới.

- Thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế và thành phố Hải Phòng, nhằm cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị để Chính phủ có những chính sách tạo động lực phát triển cho các tỉnh có tính liên kết vùng cao, có tốc độ phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Kết quả thực hiện thí điểm các Nghị quyết này sẽ là cơ sở để đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện mô hình, cụ thể hóa thành luật hoặc các quy định chung để có thể nhân rộng và áp dụng trên phạm vi cả nước.

- Thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID -19, vừa bảo đảm thời hạn xét xử do luật định; phù hợp với quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án nhân dân; là một bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta; phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về tư pháp.

Thứ hai, xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021; công tác phòng, chống dịch Covid-19, tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Quốc hội đã thống nhất rất cao thông qua các Nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; và nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 2. Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.

- Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022: Với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế…

Theo Nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2022, chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Đồng thời đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo thực hiện được mục tiêu và chỉ tiêu trong năm 2022.

- Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Nghị quyết xác định 7 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, cụ thể như: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; nâng cao tỉ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP. Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Nghị quyết cũng đưa ra chỉ tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Quốc hội cũng quyết định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đồng thời yêu cầu Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, hoàn thành trước tháng 4/2022, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này hằng năm; giữa nhiệm kỳ và cả nhiệm kỳ.

- Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương trong năm 2022: Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.700 tỉ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.784.600 tỉ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỉ đồng (tương đương 3,7% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 572.686 tỉ đồng. Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương; trong đó Quốc hội đã đề nghị Chính phủ và các Bô, ngành ưu tiên điều chỉnh chính sách tiền lương đối với những đối tượng có mức lương thấp và nghỉ hưu trước năm 1995. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về tạo nguồn cải cách tiền lương nhằm thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp. Đồng thời, giao Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống dịch, bố trí đủ nguồn lực thực hiện. Khẩn trương xây dựng phương án bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Quốc hội đã quyết định tổng số thu ngân sách trung ương là 739.132 tỉ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 672.568 tỉ đồng; tổng số chi ngân sách trung ương là 1.087.032 tỉ đồng, trong đó dự toán 359.982 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Quốc hội cũng đã quyết định tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương được áp dụng riêng cho năm 2022; căn cứ tình hình thực tế, năm 2023 sẽ quy định lại cho phù hợp.

- Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025: Quốc hội nhấn mạnh quy hoạch sử dụng đất không chỉ nhằm tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà phải kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để phát triển đất nước. Bảo đảm chỉ tiêu đất trồng lúa phù hợp với Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; tuy nhiên cũng cho phép linh hoạt sử dụng tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng phải bảo đảm không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa, có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp,...

Quốc hội cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về chính sách, khoa học và công nghệ, về nguồn lực, ứng phó với biển đổi khí hậu, phục hồi quỹ đất bị suy thoái, kiểm tra, giám sát, về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức để thực hiện hiệu quả hơn Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021-2025.

- Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Trên cơ sở đó, Quốc hội đề nghị các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn với việc tổ chức thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đồng bộ với việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh; giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho các địa phương giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục triển khai có hiệu qủa nhằm đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội; đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng, kéo dài,...

Thứ ba, về hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thực hiện quyền giám sát thông qua nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. Đồng thời, xem xét nhiều báo cáo quan trọng của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tư pháp; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án năm 2021. Lần đầu tiên, Quốc hội đã dành thời gian thích đáng để thảo luận, xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tham gia chất vấn tại kỳ họp

Song song đó, Quốc hội đã dành 2 ngày rưỡi để chất vấn đối với 04 vị Bộ trưởng, có sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các vị Trưởng ngành về các nhóm vấn đề: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư, với tổng số 170 lượt đại biểu phát biểu cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là “trúng và đúng”, phù hợp thực tế, mong muốn của cử tri, được dư luận, đồng bào, Nhân dân cả nước quan tâm, đồng tình. Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Kết thúc hoạt động chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã tập trung  xem xét nhiều báo cáo quan trọng của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tư pháp; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án năm 2021và cho rằng, mặc dù tình hình trong nước và thế giới bị ảnh hưởng lớn do đại dịch Covid-19, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của từng cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Thứ tư, một số kết quả nỗi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp

 Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tham dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV với 08 đại biểu (trong đó có 03 đại biểu công tác tại các cơ quan Trung ương và 05 đại biểu công tác tại địa phương). Trong thời gian diễn ra kỳ họp, đại biểu chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế kỳ họp, tích cực nghiên cứu tài liệu, đóng góp nhiều ý kiến góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hải phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh

Với 39 lượt ý kiến phát biểu, thảo luận, chất vấn tại Hội trường và tại Tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình, các dự án luật và dự thảo nghị quyết tại kỳ họp, đồng thời đề nghị đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu chuyển đổi sang đất công nghiệp, đô thị cho Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Long An nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng, và của tỉnh trong thời gian tới trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, rà soát các gói hỗ trợ về an sinh xã hội, kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế, tiếp tục ban hành các chính sách cụ thể để người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các gói vay vốn phục hồi sản xuất; quan tâm có chính sách ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp ở các vùng trọng điểm về kinh tế; tiếp tục nghiên cứu, đề ra các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài trong và sau đại dịch; tập trung chỉ đạo rà soát, lồng ghép các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng các quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030; tập trung nguồn lực thực hiện một số chương trình, dự án trọng điểm, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sớm phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030; trong đó chú trọng nội dung quy hoạch một số trung tâm năng lượng tái tạo của vùng theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030.

Đặc biệt, tài kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh có 4 lượt ý kiến chất vấn 03 Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế; trách nhiệm và giải pháp về việc sinh viên ra trường không có có việc làm; vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu. Và chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp đột phá về thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong và sau đại dịch Covid-19. Các ý kiến chất vấn xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đều được các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ giải trình đầy đủ và Quốc hội tiếp thu đưa vào Nghị quyết chung về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp để triển khai thực hiện./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết