Tiếng Việt | English

23/05/2019 - 10:03

Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão

Hiện nay, đang bước vào mùa mưa, để ứng phó kịp thời với những thiên tai có thể xảy ra, các địa phương trong tỉnh Long An chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống cụ thể nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra.

Thiệt hại do thiên tai

Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết, thiên tai xảy ra trên cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng diễn biến khá phức tạp. Các loại thiên tai: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ, lốc xoáy, sạt lở,... xảy ra nhiều ở các địa phương vùng hạ, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy, mưa đá, gây thiệt hại về nhà ở và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất
của người dân.

Tập trung đầu tư các tuyến đê bao xung yếu, bảo đảm an toàn cho sản xuất, cuộc sống của người dân

Tập trung đầu tư các tuyến đê bao xung yếu, bảo đảm an toàn cho sản xuất, cuộc sống của người dân

Hàng năm, thị xã Kiến Tường là một trong những địa phương vùng Đồng Tháp Mười chịu nhiều tổn thất do mưa bão, lũ lụt gây ra. Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng thông tin, năm 2018, thiệt hại của người dân trên địa bàn thị xã gần 800 triệu đồng:

Cháy 1 nhà, 1 quán karaoke, sập hoàn toàn 1 nhà, tốc mái hơn 20 căn nhà. Hầu hết các nhà bị tốc mái do ảnh hưởng cơn bão số 7 gây ra vào ngày 18/10/2018. Lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể địa phương kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 70 triệu đồng cho các gia đình bị thiệt hại. Ngoài ra, địa phương còn vận động người dân đóng góp tiền, ngày công lao động giúp các gia đình có nhà bị sập, tốc mái nhẹ, kịp thời sửa chữa, khắc phục, sớm ổn định cuộc sống.

Năm 2018, mặc dù bão không đổ bộ trực tiếp nhưng các xã vùng hạ của huyện Cần Đước cũng chịu ảnh hưởng do xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kèm theo gió mạnh, sét, lốc xoáy, gây tổn thất hàng tỉ đồng về nhà ở, các công trình phúc lợi xã hội, ảnh hưởng hoạt động sản xuất của người dân. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Cần Đước, năm 2018, toàn huyện có 146 căn nhà bị sập và tốc mái; gãy 4 trụ điện hạ thế, 19 cột điện sau hạ thế; sập, tốc mái 7 trang trại nuôi gà. Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 (ngày 24, 25/11/2018) làm mưa kéo dài kèm theo gió lớn gây ngập úng 14,8ha rau màu, đổ ngã 324ha lúa.

Cần sớm giải quyết nạn sạt lở cặp bờ kinh Nước Mặn, giúp người dân vùng cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước ổn định cuộc sống

Cần sớm giải quyết nạn sạt lở cặp bờ kinh Nước Mặn, giúp người dân vùng cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước ổn định cuộc sống

Long Hựu Đông là 1 trong 8 xã thuộc vùng hạ của huyện Cần Đước chịu ảnh nặng sau cơn bão số 9. Toàn xã có 4 căn nhà bị sập, trên 30 căn nhà bị tốc mái, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “Nằm giữa kinh Nước Mặn và sông Vàm Cỏ, hàng năm, người dân vùng cù lao Long Hựu phải đối mặt với hạn, mưa giông, sét và xâm nhập mặn. Trước tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, người dân sinh sống cặp các nhánh sông lớn phải đối mặt với nạn sạt lở ta-luy, giông, lốc xoáy, nhất là thời điểm chuyển từ mùa khô sang mùa mưa bão” - Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Văn Khắc cho biết.

Chủ động ứng phó

Hiện nay, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị xã Kiến Tường đến địa bàn phụ trách, phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã trong việc thông tin dự báo diễn biến mùa mưa bão năm 2019; hướng dẫn xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với lũ, bão; hình thành các tổ, đội xung kích và phân công trực các điểm xung yếu nhằm kịp thời xử lý các tình huống xấu xảy ra.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng, dự báo tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nước lũ có thể về sớm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của một số xã đầu nguồn. Vì vậy, hiện nay, địa phương tập trung tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật xuống giống vụ lúa Hè Thu ở những vùng trũng thuộc xã Thạnh Hưng, Tuyên Thạnh và vùng giáp ranh phường 1, phường 3 để thu hoạch trước khi lũ về, triều cường dâng. Đồng thời, địa phương khảo sát hệ thống bờ bao, cống, đập để có kế hoạch tu bổ, nâng cấp, bảo vệ 14.000ha lúa gieo sạ vụ Hè Thu; vận động người dân sửa chữa kênh, mương nội đồng, hệ thống tưới, tiêu nhằm bảo đảm tốt yêu cầu sản xuất.

Diễn tập ứng phó phòng, chống bão ở xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước 

Với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, hậu cần tại chỗ; thiết bị tại chỗ), Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Cần Đước triển khai phương án phòng, chống thiên tai, sẵn sàng các biện pháp ứng phó khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong mùa mưa bão năm nay. Thư ký Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Cần Đước - Văn Tuấn Kiệt thông tin, hiện nay, huyện thành lập xong phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi ro; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, nạo vét hệ thống cống thoát nước, cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão; chuẩn bị tốt cho công tác diễn tập về các phương án cứu hộ, cứu nạn để ứng phó kịp thời khi bão trực tiếp đổ bộ vào đất liền; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phòng, chống lụt bão và cơ sở vật chất, hậu cần, y tế, lương thực,... góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Công tác phòng, chống lụt bão năm 2019 cũng được xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc khẩn trương triển khai, thực hiện. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã được kiện toàn; các thành viên chủ động xuống cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu chuẩn bị các phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn người và tài sản khi có bão xảy ra. “Hiện nay, địa phương tập trung gia cố các tuyến đê bao xung yếu tại các ấp; nạo vét các công trình thủy lợi bị bồi lắng; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cập nhật diễn biến thời tiết, giúp người dân nâng cao ý thức về PCTT” - Chủ tịch UBND xã Tân Tập - Nguyễn Thành Nhanh chia sẻ.

Ngành chuyên môn khảo sát tình hình sản xuất của người dân để có biện pháp hỗ trợ khi mùa mưa bão đến

Ngành chuyên môn khảo sát tình hình sản xuất của người dân để có biện pháp hỗ trợ khi mùa mưa bão đến

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến nay, tỉnh xây dựng xong phương án PCTT&TKCN năm 2019 với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục có hiệu quả”. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương rà soát lại các nguồn lực thực hiện công tác ứng phó thiên tai; trong đó, tập trung kiểm tra tiến độ xây dựng các công trình, kiểm kê nguồn nhân lực, các vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai và các nguồn lực khắc phục hậu quả. 
Đối với các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, phải tập trung khẩn trương rà soát, chủ động gia cố hệ thống đê bao lửng nhằm bảo vệ an toàn sản xuất, đề phòng lũ về sớm. Các huyện vùng hạ cần thống kê, quản lý chặt chẽ số lượng tàu, thuyền và người dân địa phương có hoạt động đánh bắt hải sản; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCTT, chủ động trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão. Riêng các sở, ngành liên quan cần tăng cường dự báo, thông tin đến người dân về tình hình mưa bão, lũ lụt. Khi có thiên tai xảy ra, kịp thời huy động lực lượng, vật tư, kinh phí nhanh chóng khắc phục thiệt hại, giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.

Mùa mưa bão năm 2019 đã đến, việc chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực là nhiệm vụ cấp bách của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần ứng phó hiệu quả với những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích