Tiếng Việt | English

08/06/2018 - 10:25

Cùng thi đua để phát triển

8 điển hình tiên tiến (7 cá nhân và 1 đại diện tập thể) của tỉnh Long An dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc tại Hà Nội vừa qua là những đại biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực. Họ luôn nỗ lực vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Yêu nghề, mến trẻ là động lực giúp cô Phạm Thị Tố Vui vượt qua khó khăn trong quá trình dạy học

Nặng lòng với nghề “gõ đầu trẻ”

Năm 1991, vừa tốt nghiệp THPT, cô Phạm Thị Tố Vui rời quê nhà Hưng Yên, theo gia đình vào Long An lập nghiệp. 2 năm sau, cô theo học Cao đẳng Sư phạm Long An, sau khi ra trường, được phân công về giảng dạy tại xã biên giới Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa. 25 năm gắn bó với nghề, tình yêu cô dành cho những học trò nhỏ vùng biên giới vẫn luôn đong đầy, nguyên vẹn như ngày đầu.

Ấn tượng khi tiếp xúc với cô là sự gần gũi, thân thiện. Cô kể: “Ngôi trường mà những năm đầu tôi dạy rất nhỏ, nằm cạnh Đồn Biên phòng Tân Hiệp, chỉ có vài phòng học. Mỗi bận đến trường, cả cô và học sinh phải bơi xuồng. Vì điều kiện khó khăn, nhiều em dần bỏ học”. Không ngại khó, cô bơi xuồng, tìm đến tận nhà để động viên học sinh trở lại lớp. Những ngày nghỉ, cô lăn lội xuống Tân An tìm mua sách, giúp học sinh có điều kiện học tập,... Vất vả, gian nan là vậy nhưng cô không bỏ cuộc. Nếu như không yêu nghề, mến trẻ thì khó có thể bám trụ mảnh đất này cho đến ngày nay.

Chừng ấy năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, phần thưởng cô mang về không ít. Hầu như năm nào, cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, có không ít sáng kiến cấp cơ sở và cấp tỉnh, nhận Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Nhà giáo ưu tú,... Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, cô là người đầu tiên và duy nhất trong tỉnh được Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Thành công đến với cô là niềm tự hào và tạo động lực tiếp tục phấn đấu. Cô cho rằng: “Dù công tác ở lĩnh vực nào, mọi người cũng nên thi đua. Bởi thi đua tạo động lực để học hỏi, nỗ lực. Với tôi, thi đua không chỉ mang lại lợi ích cho mình mà còn vì sự nghiệp trồng người”.

So với nhiều vùng đất khác, Thuận Bình - nơi cô giảng dạy còn lắm khó khăn. Vì vậy, cô hy vọng, lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng phòng chức năng, trang thiết bị để những trẻ nhỏ nơi đây có điều kiện học tập tốt hơn.

Không ngừng sáng tạo

Rời mảnh đất Quảng Nam, anh Huỳnh Tấn Hưng vào làm việc tại Công ty TNHH Long Thủy, xã Long Trạch, huyện Cần Đước. Tha hương lập nghiệp, anh nỗ lực làm việc thật tốt, có nhiều sáng tạo nên được Ban Giám đốc tin tưởng. 5 năm gắn bó với công việc sản xuất đồ chơi trẻ em, anh Hưng có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích cho công ty hơn 1 tỉ đồng dù chưa qua trường lớp đào tạo nào về nghềcơ khí.

Anh nói: “Có đam mê với nghề thì sẽ làm được. Với tôi, được chọn là đại biểu dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc vừa qua tại Hà Nội là niềm vinh dự. Tôi nguyện cống hiến hết mình trong lao động, sản xuất”.

Anh Hưng có không ít sáng kiến được công ty ghi nhận. Trong đó, phải kể đến sản phẩm ép màu trực tiếp thay vì làm từng công đoạn như trước đây, máy in tem túi, hộp trò chơi vui nhộn,... Lo ngại trước tình trạng một số trò chơi dành cho trẻ mang tính bạo lực, anh ấp ủ ước mơ cho ra thị trường một sản phẩm đồ chơi mang tính giáo dục, kích thích tư duy tìm tòi, sáng tạo, vừa học, vừa chơi của trẻ. Với tinh thần đam mê sáng tạo, anh từng được UBND tỉnh tặng bằng khen, đang làm hồ sơ xét duyệt giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần III năm 2018 (giải thưởng tôn vinh công nhân, lao động trực tiếp).

Từ trái qua: anh Hiếu, anh Hưng, cô Tố Vui, chú Chín Nghĩa cùng trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó có chuyến đi dự lễ tại Hà Nội vừa qua

Chú Chín Nghĩa (Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Bùi Hữu Nghĩa), xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, không còn xa lạ với nhiều người. Chú là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là Nông dân xuất sắc 30 năm đổi mới. Chú còn được mệnh danh là “cha đẻ” của những phát minh về máy móc, có nhiều cải tiến trong sản xuất nông nghiệp. Người đàn ông mái tóc hoa râm, bàn tay lúc nào cũng lấm lem này khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi những sáng chế của ông. Mỗi lần đến nhà, tôi lại thấy chú loay hoay với những chiếc ốc vít, máy móc,...

Chú chia sẻ: “Còn sức khỏe, tôi còn cống hiến, sáng tạo bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, không phân biệt thành phần, xuất thân, tuổi tác,... người người, nhà nhà đều có thể thi đua vì sự nghiệp chung của đất nước”. Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chú luôn tìm tòi, nghiên cứu và không dừng lại ở bất cứ một sáng kiến nào.

Với chú Chín Nghĩa, còn sức khỏe là còn thi đua lao động, sáng tạo

Vì bình yên nhân dân

Yêu màu áo Công an nhân dân, anh Đặng Chí Trung Hiếu quyết tâm thi đậu vào Trường Đại học An ninh nhân dân. Năm 2003, anh nhận nhiệm vụ làm trinh sát tại Công an huyện Mộc Hóa.

“Lúc đó, tôi luôn xung kích, hăm hở đi cơ sở. Dù nhà gần đơn vị công tác nhưng tôi ít khi về mà thường cùng đồng nghiệp đi địa bàn, tìm hiểu tình hình, tạo mối quan hệ với nhân dân. Vui nhất là những lúc ở nhà dân, được dân cưu mang, che chở. Khi điều chuyển sang nhiệm vụ khác, tôi cũng chạnh lòng. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm của người chiến sĩ Công an nhân dân, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, giữ gìn an ninh, trật tự, phối hợp lực lượng biên phòng bảo vệ bình yên cuộc sống người dân”.

Là chiến sĩ công an, anh Đặng Chí Trung Hiếu luôn ý thức trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân

Sau khi huyện Mộc Hóa cũ chia tách, anh Hiếu chuyển công tác nhiều bộ phận và hiện là Phó Trưởng Công an thị xã Kiến Tường. Người Thiếu tá công an này còn đảm nhận vai trò Phó Bí thư Đảng ủy, phụ trách công tác tham mưu và xây dựng lực lượng. Hiểu mình phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua, anh xây dựng nhiều mô hình hiệu quả: Kể chuyện về tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh; Đi báo việc, về báo công; Tập thể dục buổi sáng gắn với luyện tập võ thuật Công an nhân dân;...

Là thị xã biên giới, công việc của các anh khá vất vả. “Mỗi bộ phận có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau và có những khó khăn riêng cần phải vượt qua” - đó là điều anh nhắn nhủ để cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Được gặp gỡ, nghe các điển hình chia sẻ về những việc đã làm, chúng tôi càng thêm cảm phục. Những cách làm hay, những mô hình sáng tạo của các điển hình sẽ tác động đến cộng đồng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết