Tiếng Việt | English

21/06/2018 - 14:52

Học Bác phong cách làm báo giản dị, gần dân

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rất nhiều bài báo với nhiều bút danh khác nhau. Trước khi viết báo, Người luôn tự hỏi “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Đội ngũ những người làm báo, nhất là những nhà báo trẻ ngày nay cần học phong cách làm báo của Học Bác phong cách làm báo giản dị, gần dân Bác để có những bài viết gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường.

Mỹ Yến (bên phải) thường xuyên đi cơ sở lắng nghe ý kiến người dân

Mỹ Yến (bên phải) thường xuyên đi cơ sở lắng nghe ý kiến người dân

Làm báo phải gần dân

Mỗi bài viết của Người đều thấm nhuần tư tưởng trọng dân, gần dân, viết “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, chứ cứ đóng cửa lại, “ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết” thì không thể viết thiết thực, “không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”. Vì vậy, đối với phóng viên Mỹ Yến - Phòng Chuyên đề, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng để học tập phong cách làm báo.

Mỹ Yến hiện phụ trách lĩnh vực nông nghiệp. Trong quá trình làm báo, Yến thường xuyên đi cơ sở, tiếp xúc với người dân để hiểu hơn về cuộc sống, những khó khăn cũng như tâm tư, nguyện vọng. Từ đó, có nhiều đề tài chân thật, gần gũi với đời sống người dân hơn. Yến cho rằng, đi cơ sở sẽ biết được nhiều câu chuyện thực tế. Từ đó, giúp Yến thể hiện phóng sự, chuyên đề hấp dẫn hơn. 

Một lần quay chuyên đề Chuyện nhà nông, chủ đề Có nên phát triển diện tích khoai môn tại huyện Bến Lức, khi Yến hỏi vì sao lại trồng khoai môn, nông dân trả lời: “Trước đây trồng mía nhưng 2 năm rồi, thương lái không thu mua nên bỏ mía chuyển sang cây trồng này”. Chỉ một thông tin như vậy, Yến thực hiện được phóng sự khác mang tên Những mùa mía đắng. Sau khi quay xong, nông dân cảm ơn Yến rất nhiều, qua thông tin truyền thông, các cấp, các ngành vào cuộc giải quyết. Với Yến, đó là niềm vui vì cảm thấy mình làm được việc ý nghĩa. 

Để tác phẩm mang tính đại chúng, Bác còn dạy người làm báo phải viết dễ hiểu. Nhiều chuyên đề về nông nghiệp để hạn chế sử dụng từ chuyên môn, Yến phải diễn giải để khi phát sóng, người dân xem hiểu. Theo Yến, truyền hình không giống báo in! Do đó, phải viết câu ngắn, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các câu phức, số lẻ thì phải làm tròn,...

Ngoài làm phóng viên, Yến còn đảm nhận dẫn các chương trình truyền hình trực tiếp về nông nghiệp, y tế, giao thông, các cầu truyền hình chào xuân mới,... Yến dành thời gian nghiên cứu kịch bản, tài liệu về chương trình để có thể làm tốt vai trò MC. Trong quá trình dẫn chương trình, Yến hay pha trò hoặc kể những câu chuyện vui để có sự giao lưu với khán giả. 

“Yến luôn cố gắng từng ngày để có những bài viết, chương trình chất lượng, phản ánh chân thật đời sống của nông dân và đa số người dân. Lời Bác dạy, mình luôn khắc ghi, người làm báo phải “Hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng” để trở thành một nhà báo chân chính” - Yến chia sẻ. 

Báo chí phải mang hơi thở cuộc sống

Dù tuổi đời, tuổi nghề của Thúy Phương - phóng viên Báo Long An, chưa là bao so những nhà báo khác nhưng cách thể hiện bài viết của Phương khá chững chạc, sinh động. Phương không ngại “lăn xả” với nghề, lặn lội đến vùng sâu, vùng xa để tìm tòi những cái mới, gần gũi với cuộc sống đời thường.

Phương chia sẻ, người làm báo cần chú ý đến lời nói, tác phong, cách tiếp cận sao cho nhân vật cảm thấy gần gũi, sẵn sàng chia sẻ khi tiếp xúc với mình. Đi nhiều nơi, Phương tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, từ đó có thêm vốn sống, hỗ trợ đắc lực cho nghề. Những bài viết của Phương thường được dẫn dắt bằng một câu chuyện hoặc cảm nhận, ghi chép một sự việc nào đó mà phóng viên chứng kiến,... Chỉ có đi cơ sở, tận mắt được thấy, được nghe và cảm nhận,... phóng viên mới có những bài viết sinh động, hấp dẫn như vậy. 

Với Thúy Phương, học theo Bác từ việc chọn  đề tài gần gũi với cuộc sống người dân

Với Thúy Phương, học theo Bác từ việc chọn đề tài gần gũi với cuộc sống người dân

Gần 5 năm theo nghề, phóng viên Kiên Định, Báo Long An, luôn trăn trở với những đề tài mang hơi thở cuộc sống. Phụ trách mảng bạn đọc - pháp luật, chuyên mục được đánh giá là khó, Kiên Định đọc và học thật nhiều, nhất là học phong cách làm báo của Bác. Định cho biết, để có đề tài hay, phóng viên phải thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe ý kiến người dân. Bởi trong rất nhiều đề tài, người làm báo có thể thấy mới nhưng với người dân lại là chuyện cũ, đã phản ánh nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. 

Gần 5 năm làm báo, phóng viên Kiên Định luôn trăn trở với những đề tài mang hơi thở cuộc sống

Gần 5 năm làm báo, phóng viên Kiên Định luôn trăn trở với những đề tài mang hơi thở cuộc sống

Định chưa thỏa lòng với nhiều tác phẩm báo chí của mình bởi cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm và còn “mắc nợ” người dân. Định kể: “Một lần dự tiếp xúc cử tri tại huyện Mộc Hóa, nghe người dân phản ánh tình trạng thiếu điện tại ấp 3, xã Bình Hòa Đông. Với tôi, đây là đề tài mới nhưng khi xuống tận nơi, gặp người dân mới biết được tình trạng này xảy ra hàng chục năm qua. Người dân nhiều lần ý kiến nhưng chưa được đầu tư. Lúc đó, bản thân thấy còn thiếu trách nhiệm với dân khi không nắm sự việc để phản ánh sớm hơn”.

Chỉ có gần dân, phóng viên những cái nhìn chân thực, chính xác, khách quan trước những đề tài dự định thực hiện. 

Phong cách làm báo của Bác rất giản dị, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Học theo Bác, những người làm báo trẻ luôn dặn lòng phải thường xuyên đi thực tế, gần gũi với nhân dân để có những bài viết mang hơi thở cuộc sống./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết