Tiếng Việt | English

24/05/2018 - 10:24

Hướng đến nền hành chính công hiện đại

Thời gian qua, Long An đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động cải cách hành chính 2017

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động cải cách hành chính 2017

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Võ Minh Thành nhấn mạnh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động cải cách TTHC góp phần hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính công của tỉnh. Đến nay, có 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản và mạng nội bộ (mạng LAN) để trao đổi công việc; 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử tích hợp vào Cổng thông tin điện tử tỉnh và phần mềm một cửa điện tử phục vụ việc tiếp nhận, luân chuyển, xử lý, theo dõi, công bố tình trạng giải quyết hồ sơ (HS) hành chính trên môi trường mạng.

Toàn tỉnh có trên 4.600 hộp thư điện tử được cấp cho các đơn vị, cán bộ, công chức và viên chức (tỷ lệ sử dụng của các đơn vị đạt 83%, cá nhân đạt 74%); 33.352 văn bản được ký số, chiếm gần 20%, tăng 8% so cùng kỳ 2016; xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cấp tỉnh, đăng tải công khai 100% TTHC ở dạng DVCTT mức độ 2; 264 DVCTT mức độ 3 và 6 DVCTT mức độ 4.

Cần Đước là một trong những địa phương tốp đầu của tỉnh về chỉ số xếp hạng CCHC. Đạt kết quả này, huyện nỗ lực đi đầu trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động CCHC. Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Phan Văn Tưởng đánh giá: “Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT không chỉ giúp địa phương tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn dễ dàng theo dõi quá trình thực hiện công việc của các đơn vị, không bị thất lạc hồ sơ. Nhờ đó, năm 2017, tỷ lệ xử lý hồ sơ của huyện đúng hạn trên 90%; có gần 2.700 TTHC của tổ chức, cá nhân được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định của tỉnh. Các văn bản từ khâu soạn thảo đến trình ký, phát hành đều được thực hiện theo đúng quy trình trên phần mềm kết nối Internet, vừa nhanh chóng, tiện lợi lại tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức.

Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp

Nhằm tạo bước đột phá trong cải cách TTHC, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tỉnh thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh và các trung tâm hành chính công (TTHCC) cấp huyện. Trung tâm PVHCC tỉnh chính thức đi vào hoạt động ngày 17-10-2016, được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm và tốp 12 trung tâm được triển khai, thực hiện trong cả nước lúc bấy giờ. Theo ông Võ Minh Thành, việc thành lập trung tâm cấp tỉnh, huyện là yêu cầu bức thiết, thể hiện tư duy đổi mới, ý chí quyết tâm cải cách TTHC của cả hệ thống chính trị; hạn chế tình trạng “cò mồi” hay cơ chế “xin, cho” khi làm các TTHC tại các cơ quan Nhà nước; hướng đến xây dựng nền hành chính minh bạch, phục vụ, năng động, hiện đại.

Đến nay, Trung tâm PVHCC tỉnh cơ bản hoạt động ổn định, nề nếp; thể hiện được vai trò đầu mối tập trung trong hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm tiếp nhận trên 10.800 HS, trong đó, giải quyết trước hạn 6.378 HS, đúng hạn 2.256 HS. Ông Phan Thanh Phong làm việc trong Khu Công nghiệp Hải Sơn cho biết, từ khi trung tâm PVHCC tỉnh được thành lập giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt, cùng lúc người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện được nhiều TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau và có thể kiểm soát được tình trạng giải quyết HS của các cơ quan Nhà nước thông qua tin nhắn SMS,...

Toàn tỉnh hiện có 13/15 huyện, thị xã, thành phố có quyết định thành lập TTHCC cấp huyện. Trong đó, có 8 trung tâm đi vào hoạt động kết nối vối Trung tâm PVHCC tỉnh, gồm: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, TP.Tân An và thị xã Kiến Tường. Ông Võ Minh Thành cho biết: “Qua theo dõi hoạt động của 6 trung tâm cấp huyện trên phần mềm một cửa trong tháng 4-2018, tổng số HS tiếp nhận gần 34.400 HS, trong đó, trung tâm trực tiếp giải quyết 17.406 HS (trước hạn 7.251 HS, đúng hạn 7.747 HS, quá hạn 2.408 HS). Số HS còn lại chuyển các cơ quan chức năng. Kết quả này cho thấy, việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại TTHCC cấp huyện bước đầu đi vào nề nếp, tạo được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”.

Nâng cao chỉ số pci và PAPI

Nhờ tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh. Theo Sở Nội vụ, năm 2017, chỉ số PCI của tỉnh đứng hàng thứ 4 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 66,7/100 điểm (tăng 11 bậc so với năm 2016); chỉ số PAPI của tỉnh đạt 38,3/60 điểm, đứng hàng thứ 11/63 tỉnh, thành và được xếp vào nhóm thứ 1 (màu xanh da trời) - nhóm đạt điểm cao nhất cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2016.

Trung tâm hành chính công cấp huyện được thành lập tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Trung tâm hành chính công cấp huyện được thành lập tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Trong bộ PCI, Long An có 5 chỉ số thành phần cải thiện rất tốt, có điểm số tăng cao; trong đó, có 2 chỉ số có điểm số cao hơn 3 tỉnh nằm trong top 3: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp. Đặc biệt, tỉnh đạt 7,07 điểm về chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh, tăng 1,38 điểm so năm 2016; cao hơn Quảng Ninh 0,66 điểm, Đà Nẵng 0,42 điểm và Đồng Tháp 0,11 điểm. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư - Nguyễn Thanh Nguyên, đạt kết quả trên, tỉnh có những chủ trương, chính sách đúng đắn, thân thiện; kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình hợp tác đầu tư phát triển kinh tế.

Theo ông Võ Minh Thành, năm 2017, cán bộ đầu mối của UB.MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cán bộ thuộc Văn phòng Dự án PAPI mời 240 người dân thuộc địa bàn TP.Tân An, Tân Trụ, Bến Lức (mỗi đơn vị cấp huyện chọn 2 xã, mỗi xã chọn 2 ấp, mỗi ấp chọn tối đa 20 người dân) để đội ngũ điều tra viên do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) phỏng vấn trực tiếp với thời lượng tối đa 60 phút/phiếu khảo sát.

Chỉ số PAPI dựa trên khảo sát lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu tính từng chỉ số nội dung thì tỉnh có 5/6 chỉ số được đánh giá tăng điểm so với năm 2016.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Năm 2017, bên cạnh kết quả đã đạt, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần được tiếp tục khắc phục trong 2018. Đó là việc cung cấp DVCTT mức độ 3 còn ít; việc rà soát, hệ thống hóa và đánh giá thể chế trên các lĩnh vực Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu cải cách; cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số nơi chưa tuân thủ đầy đủ, niêm yết TTHC chưa khoa học; trình trạng HS trễ hẹn còn nhiều ở các TTHCC cấp huyện;...

Áp dụng mô hình một cửa liên thông góp phần rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết các thủ tục hành chính

Áp dụng mô hình một cửa liên thông góp phần rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết các thủ tục hành chính

Hiện nay, việc giải quyết hồ sơ trễ hẹn còn chiếm tỷ lệ cao tại một số trung tâm cấp huyện: Đức Hòa, Cần Đước, Bến Lức, Cần Giuộc. Đa số hồ sơ trễ hẹn thuộc lĩnh vực đất đai và hoạt động xây dựng. “Thời gian tới, sở quan tâm chỉ đạo các trung tâm có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nhất là hồ sơ trễ hẹn; rà soát, sửa đổi hoặc ban hành quy chế xin lỗi khi trễ hẹn hoặc có sai sót”- ông Võ Minh Thành nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Hồ Văn Dân cho biết, sở tiếp tục tham mưu đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, đáp ứng DVCTT mức độ 3, 4 tại cơ quan hành chính Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2020, 100% Trung tâm PVHCC tỉnh, TTHCC cấp huyện trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình một cửa điện tử; 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử; đa số DVCTT đạt mức độ 3; 3% -5% DVCTT đạt mức độ 4. Qua đó, góp phần xây dựng một nền hành chính kiến tạo, phục vụ theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, nhiệm vụ chính của cải cách TTHC năm 2018 là rà soát cắt giảm TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC và hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông, nâng dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, 4, hướng đến xây dựng một cửa điện tử của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, tỉnh mở rộng Trung tâm PVHCC tỉnh đáp ứng đủ điều kiện đưa TTHC của tất cả các sở, ngành và một số cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh vào tiếp nhận và trả kết quả tại trung tâm. Đồng thời, thành lập và đưa vào hoạt động các TTHCC cấp huyện, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện cơ chế liên thông giải quyết TTHC,...

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết