Tiếng Việt | English

31/10/2017 - 02:00

Quyết liệt phòng, chống tham nhũng

Kỳ 2: Thấy gì qua những vụ án tham nhũng?

Những vụ án liên quan đến tham ô, tham nhũng, chiếm dụng tiền Nhà nước chỉ xảy ra đối với những người có quyền, chức vụ.


Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc tại Long An về công tác phòng, chống tham nhũng

Ai tham nhũng?

Đánh giá của UBND tỉnh, các vụ việc liên quan đến tham nhũng, quá trình điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Hầu hết vụ việc, thời gian xác minh thường kéo dài, quá thời hạn so với quy định do các sai phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn cần trưng cầu giám định về tài chính để xác minh thiệt hại hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp số liệu để đánh giá, thẩm định quy trình. Bên cạnh đó, Thông tư 02/2001/TT-NHNN, ngày 04/4/2001 của Ngân hàng Nhà nước quy định, khi có quyết định khởi tố vụ án, ngân hàng mới cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra, từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác ngăn chặn tội phạm và thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Nhìn lại một số vụ án liên quan đến tham nhũng, có thể thấy, hầu hết người vi phạm đều đảm nhận những chức vụ, vị trí quan trọng tại cơ quan, đơn vị. Đối tượng phạm tội về tham nhũng thường là những người có chức vụ, chuyên môn nên quá trình tham nhũng thường rất tinh vi nhằm che đậy sai phạm hoặc đối phó với cơ quan thực thi pháp luật.

Đơn cử như năm 2008, tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc nổi lên vấn đề sai phạm liên quan đến đền bù đất đai tại một số dự án đầu tư phát triển công nghiệp cũng như các dự án xây dựng khu dân cư. Trên cương vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu, ông Lê Văn Hai và ông Hồ Đại Sung cố tình làm trái các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực quản lý đất đai, đồng thời vòi vĩnh nhận tiền bồi dưỡng của các hộ dân trong những lần ký xác nhận hồ sơ, chứng thực đất đai để chiếm dụng tiền của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng bộ xã.

Trường hợp của ông Trần Văn Chính cũng là một minh chứng điển hình tham nhũng. Khi đang là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, với quyền hạn của mình, ông cùng cán bộ Địa chính xã - Nguyễn Hoàng Thương trong thời gian dài, chiếm dụng số tiền 130 triệu đồng để chi tiêu cho mục đích cá nhân,...

Thẳng thắn nhìn nhận về tham nhũng, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững cho rằng, tình trạng tham nhũng hiện nay vẫn còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Những người có hành vi tham nhũng là những người có quyền, chức vụ. Ngoài ra, theo ông, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước ở một số lĩnh vực sách nhiễu, vòi vĩnh khi quan hệ giải quyết công việc cho cá nhân, đơn vị, gây bất bình trong xã hội.

Người đứng đầu buông lỏng trách nhiệm

Những vụ việc liên quan đến tham nhũng xảy ra ở Long An thời gian qua tuy không lớn nhưng quá trình xảy ra sai phạm thường kéo dài, khó phát hiện. Ngoài những người trực tiếp thực hiện hành vi thì có một nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu quyết liệt trong kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật liên quan ở một số ngành, địa phương chưa thường xuyên, kịp thời.

Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy, hiện nay, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của các cơ quan, đơn vị còn yếu. Hầu như rất ít trường hợp tham nhũng được phát hiện qua phê bình, đấu tranh xây dựng nội bộ dù hàng năm, mỗi đảng viên, tổ chức đều phải thực hiện tự phê bình và phê bình. Việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn, thư tố táo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra.

Như trong năm 2013, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa - Mai Tấn Phát lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm giả chứng từ để quyết toán và ký nhận tiền thay các thành viên trong ấp đội nhưng không chi thực tế với số tiền hơn 30 triệu đồng. Vụ việc chỉ được phát hiện khi một số người trong ấp đội phản ánh, tố cáo đến Đảng ủy xã, chứ hoàn toàn không tự phát hiện từ nội bộ cũng như qua công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức Đảng cơ sở.

Trong số 75 vụ việc liên quan đến tham nhũng được phát hiện và xử lý trong 10 năm qua, phần lớn là cán bộ, đảng viên công tác ở cơ sở, chưa phát hiện ở cấp cao hơn.

Đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy hiện nay, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, nể nang, bao che, thiếu kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra và xử lý một số vụ việc cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, cố ý làm trái quy định gây thất thoát, thiệt hại ngân sách nhà nước.

Chánh Văn phòng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy - Nguyễn Thị Thúy khẳng định, muốn làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, trước hết phải mạnh dạn đổi mới các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tránh hình thức, xa rời thực tiễn. Như việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn mang tính nửa vời, mới chỉ dừng ở việc công khai, kê khai cho có nhưng hiệu quả chưa cao, chưa có cơ chế điều tra, làm rõ về nguồn gốc tài sản, thu nhập, trong khi rất nhiều cán bộ, công chức có nguồn tài sản kê khai giá trị lớn,... Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như toàn thể nhân dân./.

Kiên Định-Lê Đức
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết