Tiếng Việt | English

04/12/2015 - 07:28

Chuyến công du của Thủ tướng: Nâng cao vị thế và lợi ích dân tộc

Các hoạt động ngoại giao trong chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, mở ra triển vọng hợp tác tích cực.

Trưa nay (3/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) và thăm làm việc với Liên minh Châu Âu và Vương quốc Bỉ.

Các hoạt động ngoại giao đa phương đan xen với song phương trong chuyến công du nước ngoài lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không chỉ góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam trong công đồng quốc tế mà còn mở ra nhiều triển vọng tích cực và cơ hội hợp tác thiết thực cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, nhất là trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại COP21. (Ảnh: Nhật Bắc)

COP 21 “nóng” không chỉ bởi sự hiện diện của 150 Nguyên thủ, Người đứng đầu các quốc gia trên thế giới cùng lãnh đạo các tổ chức, định chế tài chính quốc tế mà hội nghị này diễn ra trong bối cảnh năm nay ghi nhận 3 hiện tượng nhất: nhiệt độ trung bình cao nhất, nhiệt độ khí nhà kính cao nhất và năm xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm và khó lường nhất.

COP 21 được coi là cơ hội cuối cùng của nhân loại để các quốc gia vượt qua sự khác biệt về quan điểm và lợi ích kéo dài hơn 20 năm qua để cùng cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI. Nếu không, nhiệt độ trái đất có thể tăng lên 4,8 độ C vào cuối thế kỷ này sẽ là thảm họa đối với nhân loại, nhất là nước biển có thể dâng cao đến 2 m sẽ nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ, các vùng cửa sông, ven biển và đồng bằng trù phú trên trái đất.

Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi các quốc gia phải hành động để cho thế hệ con cháu một môi trường sống bền vững…Còn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon gửi thông điệp “Người dân trên thế giới và các thế hệ sau này trông chờ vào tầm nhìn và lòng dũng cảm của các nhà lãnh đạo...".

Chia sẻ với cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng để xây dựng thỏa thuận, đó là phải bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ...

Đồng thời nêu rõ quan điểm: Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công thỏa thuận này, hướng tới một tương lai phát triển xanh, sạch cho các thế hệ mai sau.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng xác định quyết tâm chính trị, cam kết của Việt Nam góp phần cùng Cộng đồng thế giới thảo thuận và đi đến thống nhất để đi đến ký kết thoả thuận chung toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh việc khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện rất nhiều công việc trong đó có nhiều cam kết cụ thể. Trong điều kiện phát triển bình thường, Việt Nam cam kết giảm 8% phát thải nhà kính đến cuối năm 2030 bằng nguồn lực của mình và nếu có sự hỗ trợ quốc tế thì cắt giảm tới 25%, đồng thời Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh... Những đóng góp của Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang phát triển còn nhiều khó khăn và hạn chế về nguồn lực đã thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của Việt Nam.

Qua gần 30 cuộc tiếp xúc song phương tại Hội nghị COP 21 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các quốc gia và tổ chức, định chế tài chính quốc tế đều bày tỏ tán đồng quan điểm, đánh giá cao quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này cả ở tầm chiến lược và các hành động cụ thể. Ngân hàng thế giới, Việt Nam và Hà Lan cũng đã ra tuyên bố chung ủng hộ và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Các đối tác phát triển đã đề ra những sáng kiến rất cụ thể. Như Ngân hàng thế giới sẵn sàng đứng ra chủ trì, phối hợp với các nước phát triển tổ chức một dự án tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu với ĐBSCL mà hiện nay dự án đó đã được trình lên Chính phủ Việt Nam để phê duyệt. Đồng thời Chính phủ Hà Lan cũng sẵn sàng cùng Việt Nam chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, tư vấn hỗ trợ về mặt kỹ thuật với chúng ta. Các định chế, tổ chức tài chính cũng sẵn sàng huy động nguồn lực để thực hiện các dự án như: phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn; đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đê sông, đảm bảo nguồn nước ngọt; chuyển đổi các hệ sinh thái kinh tế phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu…

Thủ đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Âu

Nhân dịp tham dự Hội nghị COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp, hội kiến các nhà lãnh đạo Nghị viện Pháp và gặp gỡ các tập đoàn kinh tế hàng đầu của nước này nhằm hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp ngày càng sâu sắc hơn, nhất là đẩy mạnh hợp tác triển khai các dự án trọng điểm giữa hai nước về giao thông vận tải, năng lượng, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, dược phẩm…Đây là những lĩnh vực Pháp có thể mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác thiết thực giữa hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher (Ảnh: Nhật Bắc)

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm: “Trong các cuộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Pháp, hai bên đều đã nhất trí sẽ thúc đẩy mở rộng hơn mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực Quốc phòng, Khoa học công nghệ… theo hướng Pháp chuyển giao công nghệ cao cho phía Việt Nam và tham gia tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Qua các cuộc tiếp xúc như vậy, tôi thấy rõ quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước đều mong muốn thúc đẩy và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác Việt-Pháp để cụ thể hóa nội hàm đối tác chiến lược mà hai bên đã ký kết…”

Tại Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến thăm trụ sở UNESCO đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức này. Đây cũng là lần đầu tiên Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thăm trụ sở UNESCO, biểu hiện sinh động trong mối quan hệ gắn bó giữa UNESCO và Việt Nam. Thủ tướng cũng đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận chương trình hợp tác Việt Nam-UNESCO đến năm 2020.

Kết thúc tham dự COP 21 và các hoạt động ngoại giao song phương tại Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã thực hiện chuyến thăm làm việc với Liên minh Châu Âu và Vương quốc Bỉ.

Trong 8 tiếng hoạt động liên tục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành 7 cuộc hội đàm, hội kiến với tất cả các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu và Vương quốc Bỉ.

Đặc biệt với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, Việt Nam và Liên minh Châu Âu tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mai tự do. Việt Nam đã trở thành một trong những nước ASEAN đầu tiên kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU- một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với 28 nước thành viên và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh tại cuộc họp báo cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: “Tôi và Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mối quan hệ hết sức hữu nghị đặc biệt. Vì vậy tôi rất hân hạnh đón tiếp Ngài Thủ tướng tại Brussels để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam. Chúng ta đã có mối quan hệ ngoại giao 25 năm rồi và đến hôm nay chúng ta tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu với Việt Nam. Tôi có thể nó rằng việc ký kết hôm nay không phải là kết thúc của một quá trình mà đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới tham vọng hơn. Phải nói rằng Việt Nam và Liên minh Châu Âu có thể làm được rất nhiều việc với nhau và chúng ta sẽ làm được nhiều việc với nhau…”

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhận định: “Lễ ký văn kiện chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có thể nói đã mở ra những cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp và người dân của hai bên. Hiệp định này cùng với Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện PCA đang được các nước EU phê chuẩn sẽ tạo một khuôn khổ rất quan trọng cho quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững giữa Việt Nam và EU trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Tôi cho đây là bước ngoặt rất quan trọng tạo một tiền đề nâng tầm quan hệ Việt Nam - EU trong thời gian tới.”

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chia sẻ: Sau một quá trình đàm phán rất tích cực trên tinh thần ủng hộ, giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau, cân bằng lợi ích nhưng cũng có tính đến chênh lệch trong trình độ phát triển giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, hai bên đã đạt được thỏa thuận kết quả rất cao.

Về thương mại hàng hóa, tính tổng thể khoảng hơn 90% hàng hóa của hai bên sẽ được hưởng thuế suất 0% hoặc về 0% sau một lộ trình phù hợp. Đối với Việt Nam chúng ta đề nghị Liên minh Châu Âu quan tâm đến các mặt hàng chúng ta có lợi thế, sử dụng nhiều lao động, đáp ứng được yêu cầu về kỹ tuật và chất lượng của Liên minh Châu Âu, trong đó có thể kể đến mặt hàng dệt may, da giầy, các hàng hóa nông nghiệp, nhất là thủy sản.

Những mặt hàng này về cơ bản ngay từ năm đầu khi Hiệp định có hiệu lực đã có thuế suất 0% hoặc sau một thời gian ngắn về 0%. Đó là một trong những kết quả rất đáng khích lệ mà chúng ta đạt được trong quá trình đàm phán với Liên minh Châu Âu.

“Một điều tôi khẳng định rằng, sau khi Hiệp định có hiệu lực trao đổi thương mại giữa hai bên sẽ tăng lên đáng kể, nhất là các lĩnh vực hai bên bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta xuất khẩu mặt hàng dệt may, da giầy, nông thủy sản và hàng chế biến còn ngược lại Liên minh Châu Âu xuất sang Việt Nam những máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên vật liệu mà chúng ta chưa sản xuất được haowcj sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu....”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Lần đầu ra Tuyên bố chung

Một điểm đặc biệt nữa trong chuyến thăm, làm việc với Liên minh Châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này, đó là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng ra tuyên bố chung với Lãnh đạo Việt Nam.

Hai bên không chỉ nhất trí tiếp tục thúc đẩy để EU hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc duy trì an ninh hàng hải, tự do hàng không trên Biển Đông, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình; đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột – đặc biệt các bên cùng cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bỉ Charles Michel. Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Cũng tại Brussels, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel và hội kiến với lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Bỉ, cùng thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị và đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhất là khẩn trương xác định và thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, tăng trưởng xanh, không gian vũ trụ…

Chính phủ hai nước khẳng định cam kết tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của mỗi nước vào thị trường của nhau cũng như tăng cường trao đổi sinh viên và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục-đào tạo của hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Charles Michel cũng nhất trí Việt Nam và Bỉ cần hướng hợp tác phát triển song phương tới mục tiêu tăng cường các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo Bỉ đều cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam các dự án liên quan đến trồng rừng ven biển…

Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Bỉ cam kết thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, ủng hộ việc EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam và sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Thượng viện Bỉ, bà Christine Defraigne

Các hoạt động ngoại giao đa phương đan xen với song phương dầy đặc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du nước ngoài lần này đã kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa ngoại giao chính trị gắn với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hoá, không chỉ góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam đối với công đồng quốc tế mà còn mở ra nhiều triển vọng và cơ hội hợp tác thiết thực cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế./.

Thành Chung- Thùy Vân/VOV 

Chia sẻ bài viết