Tiếng Việt | English

03/05/2021 - 20:20

Không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Qua Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác nội chính (NC), phòng, chống tham nhũng (PCTN) và cải cách tư pháp (CCTP) do Ban NC Trung ương tổ chức ngày 28/4/2021 cho thấy, công tác NC, PCTN và CCTP ngày càng khó khăn, phức tạp. Vì vậy, các bài học được rút ra từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII là những kinh nghiệm quý báu để công tác NC, PCTN và CCTP trong thời gian tới ngày càng hiệu quả hơn.

Cán bộ tham gia Hội nghị trực tuyến về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp tại điểm cầu Long An

Những kết quả nổi bật

Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Trưởng ban Thường trực Ban NC Trung ương - Võ Văn Dũng cho rằng: Những kết quả về công tác NC, PCTN và CCTP nhiệm kỳ XII của Đảng đã đạt kết quả rất quan trọng, nhất là chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường. Đặc biệt, công tác PCTN được lãnh, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”.

Đặc biệt, chúng ta tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ngoài ra, tư duy về quốc phòng - an ninh, đối tác, đối tượng, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện.

Nổi bật nhất là công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham nhũng được tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư: “Không có vùng cấm và không có ngoại lệ”, tạo bước đột phá trong công tác PCTN. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ “không thể tham nhũng”.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN, CCTP ngày càng được khẳng định và phát huy. Vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử và đại biểu Quốc hội, HĐND, UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội  - nghề nghiệp và của nhân dân ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Công tác cán bộ, cải cách hành chính (CCHC), thể hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan. Hợp tác quốc tế trong PCTN và CCTP được tăng cường, từng bước được mở rộng ra ngoài khu vực Nhà nước.

Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động ngày càng tiến bộ, hiệu quả bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Những bài học rút ra từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII 

Đối với công tác NC: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung và thống nhất của nhà nước đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH. Đồng thời, phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, phân tích, đánh giá sâu sắc, dự báo chính xác về âm mưu, kế hoạch chống phá cụ thể của từng đối tượng, từng loại tội phạm trên từng địa bàn, lĩnh vực. Trong bảo đảm ANTT phải chủ động tiến công, tích cực phòng ngừa, lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào dân, yên dân là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi sự nghiệp an ninh quốc gia. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng, phân công cụ thể gắn với thể chế hóa thành các quy định, tạo cơ chế thống nhất, đồng bộ trong bảo đảm ANTT; thường xuyên nghiên cứu, tham mưu đề xuất, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ANTT.

Đối với PCTN: PCTN là “chống giặc nội xâm” đặt dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Song song đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Trong phát hiện, xử lý phải quán triệt nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải tích cực khẩn trương xác minh làm rõ, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi bao che, can thiệp, cản trở PCTN”.

Đối với công tác CCTP: Phải tiến hành đồng bộ với cải cách lập pháp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và CCHC. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình CCTP. Tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, báo chí và nhân dân đối với hoạt động của cơ quan tư pháp. Thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, trước hết là cán bộ có chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ CCTP. Quan tâm, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về tư pháp./.

Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cơ quan chức năng đã khởi tố 9.386 vụ với 16.026 bị can, truy tố 7.711 vụ với 15.178 bị can, xét xử sơ thẩm 7.436 vụ với 14.540 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, riêng tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 1.202 vụ với 2.649 bị can, truy tố 1.141 vụ với 2.731 bị can, xét xử sơ thẩm 1.100 vụ, với 2.663 bị cáo.

Qua khảo sát, có 93% ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh, chỉ đạo của Đảng về đấu tranh PCTN. Từ năm 2013 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, ban hành, sửa đổi, bổ sung 146 luật, 7 pháp lệnh và 106 nghị quyết về quản lý KT-XH và PCTN. Trong đó, có nhiều đạo luật quan trọng về PCTN và liên quan đến PCTN.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết