Tiếng Việt | English

23/09/2016 - 09:03

Kỷ niệm 71 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 – 23-9-2016)

Một trang sử vàng

Một trang sử vàng mà Sài Gòn là nơi mở đầu, ngay lập tức các tỉnh lân cận, trong đó có Tân An (Long An ngày nay) cùng hưởng ứng rồi lan tỏa cả Nam bộ và cả nước chung sức, chung lòng viết nên trang sử có tên Nam bộ kháng chiến...

Ngày 23-9 năm nay, ta hãy cùng lật trang sử vàng trong sách Nam bộ kháng chiến (1945-1975)*:

“Sáng ngày 23-9-1945, quân Pháp được quân Anh giúp đỡ bất ngờ nổ súng đánh chiếm một số công sở của ta ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam một lần nữa. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam bộ thật sự bắt đầu. Quân dân ta vừa đánh địch quyết liệt trong nội ô, vừa thành lập 4 mặt trận ngoại vi thành phố, thực hiện kế hoạch “trong đánh ngoài vây”.

Các tỉnh kế cận thành phố như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An, nông dân, công nhân đồn điền cao su tổ chức nhiều đơn vị vũ trang, vừa lập mặt trận chuẩn bị chiến đấu ngăn chặn địch tái chiếm địa phương mình, vừa khẩn cấp chi viện cho Sài Gòn. Trong số này có các đơn vị người Mạ, người Stiêng từ Biên Hòa, từ Thủ Dầu Một trang bị các loại vũ khí truyền thống như cung, nỏ, tên tẩm thuốc độc, sát cánh cùng quân dân thành phố Sài Gòn đánh địch; nhiều chiến sĩ người Thượng đã anh dũng hy sinh ở mặt trận ngã ba Hàng Xanh.

Ngày 26-9, trong Thư gửi đồng bào Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ... Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trên cả nước đã khẩn trương chi viện sức người, sức của cho Nam bộ. Sôi nổi và rầm rộ là phong trào Nam tiến, hầu hết các tỉnh ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ tổ chức từ một đến hai chi đội, lần lượt hành quân vào Nam chiến đấu. Kiều bào ta ở Thái Lan, Lào, Campuchia cũng tổ chức các chi đội hải ngoại về Nam bộ cùng chiến đấu.

Trước sức chống trả quyết liệt của quân và dân ta, giặc Pháp bị kìm chân ở nội ô Sài Gòn hơn một tháng, mãi đến cuối tháng 10-1945 chúng mới bắt đầu nổng ra toàn Nam bộ...”.

Với cương vị Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, người đứng đầu sóng ngọn gió của phong trào Nam bộ kháng chiến - Trần Văn Giàu viết: “Ngày 23-9-1945, khi quân Pháp đặt chân đến Sài Gòn, ngay từ hôm đó, Sài Gòn không điện, không nước, không họp chợ, nhưng đêm đêm Sài Gòn sáng rực vì những đám cháy các kho, các cơ quan, các doanh nghiệp Pháp suốt tháng như vậy. Người Pháp ra đường, trong nhà riêng, nơi khách sạn, lúc nào cũng dễ ăn những viên đạn “vô tình”; hàng ngày, hàng tuần như thế, mãi cho đến khi sư đoàn Leclerc tới Sài Gòn...” (trích Trần Văn Giàu - Khí phách Sài Gòn của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Xưa&Nay số tháng 4-2000). Và trong bài viết Tâm tình về Cụ Hồ, cố Giáo sư Trần Văn Giàu có những lời gan ruột: “... đêm 22 rạng 23 tháng 9, quân Pháp ở Sài Gòn (là tù binh của Nhật bắt đầu từ 9/3 được Anh thả và lính mới từ Pháp sang) đánh chiếm các cơ quan chính quyền của ta ở thành phố; như vậy là Pháp bắt đầu xâm lược nước ta một lần nữa, lần trước (năm 1859) cũng bắt đầu ở nơi đây.

Chiều hôm qua bọn Pháp tính lập mưu bắt sống một số người lãnh đạo chủ chốt của ta, nhưng không thành công. Hừng sáng ngày 23, thì tụi tôi mở cuộc Hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến Nam bộ, để quyết định cách đối phó. Có hai chủ trương khác nhau. Một chủ trương đánh trả ngay, kêu gọi quân dân Sài Gòn và Nam bộ nhất tề đứng dậy diệt xâm lăng; lời hiệu triệu kháng chiến, tôi đã viết sẵn trong đêm. Hai là chủ trương tích cực chuẩn bị kêu gọi tổng bãi công, nhưng phải chờ lệnh trên (của Chính phủ Trung ương).

Tranh luận cực kỳ sôi nổi. Đa số Hội nghị đồng ý kêu gọi quân dân đánh trả ngay, không thể cho địch có thời giờ lấn chiếm rộng ra. Ta cho rằng đánh trả không trái với thương lượng, ta có thể vừa đánh trả, vừa đàm phán, đánh càng thắng thì đàm càng dễ. Chừng nào lệnh trên xuống tới, ta sẽ làm y theo, nhưng chắc chắn trước rằng Cụ Hồ sẽ đồng ý với chúng ta, vì ngay trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 đã có câu: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập, và sự thật đã thành một Nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.


Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam bộ tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 24/9/1945. Ảnh TL: Bảo tàng lịch sử Quốc gia

Hiệu triệu kháng chiến được phát hành ngay. Cuộc kháng chiến bắt đầu. Ba ngày sau (26-9), Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đài Bạch Mai (Hà Nội), tuyên bố sự ủng hộ của cả nước đối với “các chiến sĩ và nhân dân hiện giờ đang hy sinh xương máu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Như vậy, Cụ Hồ không có mặt mà cũng là có mặt ở Hội nghị liên tịch đường Cây Mai sáng ngày 23-9-1945”.

Kỷ niệm 71 năm Ngày Nam bộ kháng chiến 23-9, đọc lại trang sử vàng để thêm niềm tin yêu đất nước, tin yêu biết mấy miền Nam “đi trước, về sau”. Buổi đầu chỉ có giáo mác, gậy tầm vông vạt nhọn, Sài Gón đã cầm chân giặc Pháp cả tháng trời ở nội đô, không cho chúng thoát ra ngoài. Thật là “Cái gì bạo ngược và phi nghĩa/ Là trái lòng dân, nghịch ý trời/ Sắt thép tinh ròng binh tướng mạnh/ Không sao thắng được trái tim người…” (Một thế kỷ mấy vần thơ - Truy Phong)./.

Quang Hảo

(*) Biên niên sự kiện lịch sử
Nam bộ kháng chiến 1945-1975,
Hội đồng Chỉ đạo biên soạn
lịch sử Nam bộ kháng chiến.
NXB Chính trị quốc gia-Sự thật.
Hà Nội - 2011

 

Chia sẻ bài viết