Tiếng Việt | English

28/08/2018 - 08:31

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam (28/8/1945-28/8/2018)

Phát huy truyền thống, khẳng định vai trò quan trọng của ngành Thông tin và Truyền thông

Trải qua các thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngành thông tin và truyền thông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của ngành thông tin và truyền thông qua các thời kỳ lịch sử có thể khái quát qua một số nét chính:

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra số đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động, đánh dấu mốc khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với trên 200 kỳ xuất bản, Báo Thanh Niên góp phần rất quan trọng vào việc trang bị lý luận chính trị, tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đào tạo cán bộ để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03-02-1930 cũng như chuẩn bị cho cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhiều nhà báo xứng đáng với danh hiệu cao quý “Nhà báo - Chiến sĩ”; có hơn 400 nhà báo anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường.

Cũng trong năm 1925, Bác Hồ cho xây dựng tuyến thông tin bí mật từ Quảng Châu - Trung Quốc về Việt Nam. Mạng lưới liên lạc giữa Tổng bộ Thanh niên ở Quảng Châu với các kỳ bộ trong nước được thiết lập. Công tác liên lạc trong những năm Đảng ta hoạt động bí mật luôn là một mặt trận quan trọng, đầy hiểm nguy. Bằng sự quả cảm và trí thông minh, những người giao liên cách mạng luôn bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ Đảng, Bác Hồ lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước đầy gian khổ, với lòng dũng cảm và sự hy sinh to lớn, cán bộ, công nhân viên ngành bưu điện đã ngoan cường bám đường dây, bám tổng đài, giữ vững mạch máu thông tin, liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Công tác chuyển công văn, báo chí, điện báo, chi viện người và thiết bị cho chiến trường thu được những kết quả to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Gần 10.000 cán bộ, công nhân, viên chức của ngành đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.

Ðội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông luôn nỗ lực phấn đấu phát huy truyền thống, khẳng định vai trò quan trọng của ngành

Ðội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông Long An luôn nỗ lực phấn đấu phát huy truyền thống, khẳng định vai trò quan trọng của ngành

Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia trực thuộc Nha Tuyên truyền Văn nghệ (tiền thân của Tổng cục Thông tin, Bộ Thông tin, Bộ Văn hóa - Thông tin và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Đây là mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển ngành Xuất bản - In - Phát hành sách nước ta.

Tháng 8/2007, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ nhất quyết định thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Bưu chính Viễn thông, tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới của ngành thông tin và truyền thông, thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý.

Sự ra đời của ngành thông tin và truyền thông hôm nay là sự kế thừa truyền thống kiên trung, anh dũng của nhiều ngành có truyền thống hào hùng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đó là truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân; truyền thống anh dũng, mưu trí, sáng tạo của Bưu điện Việt Nam và truyền thống của ngành Xuất bản - In - Phát hành sách luôn kiên cường trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân,... Từ một ngành lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay, Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã trở thành một ngành: Vững về chính trị, mạnh về kinh tế, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường; tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước ngày càng lớn; được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là một trong những ngành đi đầu trong công cuộc đổi mới và là ngành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Truyền thống quý báu đó là tài sản tinh thần vô giá của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm nay.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành thông tin và truyền thông tỉnh Long An đã và đang phát triển với kết quả khả quan:

Về lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản: Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, điều hành, quản lý của UBND các cấp, các loại hình báo chí không ngừng phát triển về mọi mặt; Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Tạp chí Văn nghệ Long An, Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp và các tờ tin, cổng thông tin, trang tin điện tử của một số cơ quan trong tỉnh đã tăng số lượng phát hành, thời lượng phát sóng và nâng cao chất lượng tin, bài, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương; các hoạt động báo chí, truyền thông đã tích cực đổi mới về hình thức và nội dung thông tin, tuyên truyền; cập nhật, ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ thông tin. Công tác thông tin cơ sở với lực lượng chủ công là hệ thống truyền thanh cấp huyện, đặc biệt là cấp xã với hệ thống trạm truyền thanh ấp/khu phố đã phủ sóng rộng khắp trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu tiếp cận, hưởng thụ thông tin của nhân dân. Các cơ sở phát hành không ngừng lớn mạnh phục vụ tốt nhu cầu của xã hội. Các cơ sở in ngày càng phát triển về số lượng và quy mô, doanh thu hàng năm tăng trưởng cao góp phần tích cực vào phát triển KT-XH, giải quyết việc làm.

Về lĩnh vực bưu chính, viễn thông: Với sự tham gia thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ của tất cả các doanh nghiệp hàng đầu như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, SCTV, VTVcab,… cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình và các dịch vụ giá trị gia tăng rộng khắp từ thành thị đến tận vùng sâu, vùng xa với chất lượng cao và giá thành hợp lý làm thỏa mãn nhu cầu người sử dụng dịch vụ. Lĩnh vực bưu chính ngày càng được hiện đại hóa, với sự tham gia cung ứng dịch vụ của trên 15 chi nhánh doanh nghiệp, đáp ứng thỏa đáng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát của nhân dân, đặc biệt là thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

Về công nghệ thông tin: Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã và đang có những chuyển biến tốt qua từng năm (cụ thể: Trao đổi văn bản điện tử, ký số, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng, các ứng dụng chuyên ngành,...) mang lại hiệu quả rất tích cực, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quản lý của cơ quan nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

Phát huy truyền thống vinh quang và khẳng định vị trí vai trò quan trọng của ngành, trong thời gian tới, ngành thông tin và truyền thông tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông để bảo đảm luôn là công cụ, phương tiện thông tin, tuyên truyền quan trọng của cấp ủy, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân; là lực lượng chủ công trong việc chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; định hướng dư luận xã hội; góp phần đề xuất, đóng góp vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh phát hiện và giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương trong quá trình phát triển.

- Không ngừng hiện đại hóa trong hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa dịch vụ với 3 trụ cột: Bưu chính chuyển phát - Tài chính bưu chính - Phân phối truyền thông.

- Chủ trì phối hợp các cấp, các ngành tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt Chương trình số 39-CTr/TU, ngày 21/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”; tập trung tham mưu trong quá trình hiện thực hóa kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh được phê duyệt, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và xây dựng lộ trình, xác định bước đi phù hợp trong việc lựa chọn ưu tiên những hợp phần xây dựng theo giải pháp thông minh trong tổng thể Đề án xây dựng thành phố thông minh trong tương lai. Tăng cường theo dõi, hướng dẫn, giúp cơ quan các cấp từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước một cách mạnh mẽ và triệt để nhằm đạt mục tiêu cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý của cơ quan nhà nước, phục vụ tốt nhân dân.

- Cùng với các ngành, địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí (trong đó có tiêu chí thông tin - truyền thông) trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020,... trên địa bàn tỉnh./.

Phòng Báo chí - Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông Long An)

Chia sẻ bài viết