Tiếng Việt | English

30/04/2021 - 06:55

Tiếp tục phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, xây dựng Long An trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” cùng khí thế hào hùng mùa Thu lịch sử ngày ấy, Đảng bộ, chính quyền,  quân và dân trong tỉnh luôn thi đua, cống hiến trên các lĩnh vực KT-XH, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững.

Một góc TP.Tân An, nơi có công viên Tượng đài “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Ảnh: Thanh Nga

Long An là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, tỉnh Long An tự hào là một trong những địa phương mở đầu trang sử “Nam bộ kháng chiến”, đã hòa chung với chiến công hiển hách của quân và dân ta. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Long An đã có những đóng góp quan trọng về sức người, sức của, góp phần làm thất bại hoàn toàn âm mưu “tìm diệt” và “bình định” trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch giai đoạn 1965-1967, góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước.

Ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định phong tặng cho Đảng bộ, quân và dân Long An danh hiệu và lá cờ ghi tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” cùng khí thế hào hùng mùa Thu lịch sử ngày ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh luôn thi đua, cống hiến trên các lĩnh vực KT-XH, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững.

Tăng trưởng kinh tế phát triển khá, ổn định

Trong thời bình, Long An luôn tận dụng những thời cơ, vận hội mới để xây dựng, phát triển quê hương. Những năm qua, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá và ổn định; nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,11%/năm; quy mô GRDP năm 2020 đạt khoảng 132.000 tỉ đồng (giá hiện hành), đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng hướng, năm 2020 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GRDP đã chiếm trên 52%; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 15%.

Đời sống người dân ngày càng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 77 triệu đồng (gấp gần 1,7 lần so với năm 2015). Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt gần 25,3 tỉ USD, tăng trưởng khoảng 12%/năm. Thu ngân sách hàng năm tăng 12,8%; năm 2020, quy mô thu ngân sách đạt gần 18.500 tỉ đồng (gấp gần 2 lần so với năm 2015).

Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn ở nhóm “Tốt” đến “Rất tốt”, năm 2018 và 2020 đứng thứ 3 cả nước; chỉ số cải cách hành chính năm 2019 đứng thứ 5 cả nước.

Công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai tích cực; an sinh, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,22%. Đến nay, cơ bản không còn gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên; hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp có nhiều đổi mới, linh hoạt, phát huy được sức mạnh tổng hợp để thực hiện hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Những thành tựu đã đạt là to lớn và có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng đưa Long An vươn lên mạnh mẽ trở thành tỉnh dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những thành viên năng động, tích cực của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng Long An trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Long An vốn đang có lợi thế là tỉnh thành viên của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lại là cửa ngõ từ TP.HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh xác định công nghiệp vẫn là động lực để tỉnh phát triển nhanh trong 5-10 năm tới. Sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và dịch vụ sẽ kéo sự phát triển của các đô thị đi theo.

Hơn nữa, với hàng loạt dự án giao thông đang được đề xuất để kết nối giữa TP.HCM và tỉnh Long An từ nay đến năm 2025, nhiều khả năng tốc độ đô thị hóa sẽ ngày càng nhanh. Vì thế, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 9,2-10%/năm; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ sẽ đạt 90%, trong đó công nghiệp là 60,5% vào năm 2025. Tỷ lệ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân đạt 12%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115-120 triệu đồng;...

Riêng năm 2021, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng tỉnh quan tâm đặt mục tiêu phát triển công nghiệp - xây dựng tăng 13-13,5%, từ đó đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 vượt 9%.

Một góc TP.Tân An, nơi có công viên Tượng đài “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”	                 Ảnh: Thanh Nga

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh Long An gặp gỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư trong buổi “Tọa đàm định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao”. Ảnh: Thanh Hiểu

Để hoàn thành mục tiêu trên, bên cạnh việc tập trung thực hiện 3 công trình trọng điểm và 3 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, tỉnh đang khẩn trương thực hiện lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Đây sẽ là bản quy hoạch chiến lược với tầm nhìn dài hạn, đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; đồng thời, mang bản sắc riêng của tỉnh dựa trên các trụ cột công nghiệp, xây dựng là động lực phát triển, dịch vụ logistics và đô thị sinh thái là quan trọng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ đạo, mở ra cơ hội rất lớn để nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh thật sự hiệu quả và phát triển bền vững cùng Long An.

Đó cũng chính là tiền đề để thực hiện khát vọng của Long An là tạo bước đột phá để tỉnh phát triển nhanh và bền vững; đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phấn đấu đến năm 2030 sẽ vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá, nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là mong muốn, khát vọng; đồng thời, cũng là động lực, nhiệm vụ đặt ra để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Long An chung sức, đồng lòng đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu đã đạt, bằng hướng đi đúng đắn với quyết tâm chính trị cao đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh sớm đi vào đời sống./.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh -  Nguyễn Văn Út

Chia sẻ bài viết