Tiếng Việt | English

29/06/2015 - 20:48

Ứng dựng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm

Ngày 29-6, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dựng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tham dự chương trình có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Taị hội thảo, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận nêu lên những nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao trong quá trình bảo vệ các di tích Chăm.

Các tham luận về: Phân tích cấu trúc và khoáng chất vật liệu xây dựng quần thể Mỹ Sơn; Nghiên cứu cấu trúc vật liệu xây dựng quần thể Mỹ Sơn và các giải pháp phục chế, bảo vệ; công nghệ tôi bề mặt gạch và khả năng bảo vệ quần thể Mỹ Sơn; công nghệ chế tạo gạch và vữa trong xây dựng các ngôi đền cổ đại của Nga (thế kỷ 10 - 13)… đã được các đại biểu quan tâm.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Sergey Nefedkin cho rằng: Việc nghiên cứu, để bảo tồn, phục dựng quần thể khu đền tháp Mỹ Sơn rất quan trọng. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, cần ngăn chặn sự tàn phá của ngoại lực vào quần thể; tìm hiểu, đề ra vật liệu để khôi phục hiện trạng ban đầu; bảo vệ di tích khỏi sự tàn phá. Từ đó nghiên cứu và đề xuất giải pháp là “cứng hoá” thông qua những loại hóa chất đặc biệt hoặc “tôi cứng” bề mặt gạch để bảo vệ những lớp gạch phía trong khỏi sự tàn phá của thiên nhiên.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Việc bảo tồn văn hóa Chămpa là cực kỳ quan trọng. Trong đó, việc nghiên cứu nguyên vật liệu, chất kết dính... trong quá trình xây dựng đền tháp Mỹ Sơn có ý nghĩa tiên quyết trong bảo vệ và phục dựng di tích Chămpa. Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn di tích, tránh không đựơc làm “trẻ hóa” di tích.

Sắp tới, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, lập dự án để bảo tồn di tích Chămpa trên địa bàn; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn để từng bước phục dựng, tái tạo lại những ngọn tháp, công trình kiến trúc của người xưa theo đúng nguyên mẫu…

Tin, ảnh: Tấn Nguyên/Theo nhân dân điện tử

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích