Tiếng Việt | English

19/08/2020 - 14:45

Bến Lức: Khai mạc Phòng truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân

Sáng 19/8, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Bến Lức, tỉnh Long An tổ chức khai mạc Phòng truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý".

Đại biểu cắt băng khai mạc phòng truyền thống

Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2020), cũng như chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự lễ khai mạc có Bí thư Huyện ủy - Trần Hoàng Nhân, Chủ tịch UBND huyện - Trần Văn Tươi, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, nguyên lãnh đạo huyện, Ban CHQS huyện qua các thời kỳ.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Huyện ủy - Trần Hoàng Nhân cho biết, Phòng truyền thống trưng bày, lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVTND huyện Bến Lức. Qua đó, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và nhân dân trên địa bàn về những chiến công của LLVTND huyện qua các thời kỳ. Đồng thời, tôn vinh những cống hiến lớn lao của các thế hệ đi trước, sự hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào đã tô thắm cho truyền thống của Đảng bộ và LLVTND trong huyện.

Đại biểu xem tư liệu tại Phòng truyền thống

Sau hơn 1 tháng làm công tác chuẩn bị cũng như thu thập tài liệu, hình ảnh, Phòng truyền thống được trưng bày gồm các phần: Phần trang trí khánh tiết; hình chân dung Bí thư Huyện ủy, Ban CHQS huyện qua các thời kỳ; hình ảnh hiện vật của LLVTND huyện trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hình chân dung Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh Long An đương nhiệm; hình chân dung các đồng chí trong Đảng ủy, Ban CHQS huyện đương nhiệm.

Máy đánh chữ được các đồng chí Bí thư Huyện ủy Bến Lức sử dụng để soạn thảo văn bản giai đoạn từ năm 1954  - 1975

Phòng truyền thống có nhiều hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong số này có 1 máy đánh chữ được các đồng chí Bí thư Huyện ủy Bến Lức sử dụng để soạn thảo văn bản giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975. Đối với hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân huyện Bến Lức, trong số này có 1 áo gối của bà Nguyễn Thị Ngọc Khọn, xã Nhựt Chánh. Năm 1962, bà Khọn làm giao liên và làm công tác vận động binh sĩ. Năm 1969, bà bị địch bắt giam tại Nhà tù Côn Đảo từ năm 1969 đến tháng 4/1975. Trong thời gian ở tù, bà đã tự thêu chiếc áo gối có 2 chữ “tương lai” với niềm hy vọng tương lai đất nước sẽ được hòa bình, độc lập.

Chiếc áo gối của bà Nguyễn Thị Ngọc Khọn, xã Nhựt Chánh tự thêu 2 chữ "tương lai" với niềm hy vọng tương lai đất nước sẽ được hòa bình, độc lập

Phòng trưng bày còn có nhiều hình ảnh, hiện vật khác được sưu tầm từ năm 1975 đến nay. Khu vực bên ngoài, Ban CHQS trưng bày Khẩu pháo 105mm của Mỹ viện trợ cho quân ngụy tiến hành chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Khẩu pháo này, bộ đội ta thu được của Đại đội pháo binh ngụy tại căn cứ Kinh Xáng, xã Lương Hòa. Ngoài ra còn có téc đựng nước của Mỹ viện trợ cho quân ngụy, bộ đội ta thu được trong trận đánh phục kích Liên đội Bảo an 128, thuộc Chi khu Thủ Thừa, xã Bình Đức.

Khẩu pháo 105mm của Mỹ viện trợ cho quân ngụy tiến hành chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, bộ đội ta thu được trong trận đánh phục kích Liên đội Bảo an 128, thuộc Chi khu Thủ Thừa, xã Bình Đức

 

Téc đựng nước của Mỹ viện trợ cho quân ngụy, bộ đội ta thu được trong trận đánh phục kích Liên đội Bảo an 128, thuộc Chi khu Thủ Thừa, xã Bình Đức

Hình ảnh triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Dịp này, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch phối hợp huyện Bến Lức tổ chức cuộc Triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Cuộc triển lãm này giới thiệu đến mọi người với hơn 100 bản đồ, tranh ảnh, tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Đặc biệt là bộ Atlas Thế giới (Atlas Universel de Géographie) do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869), nhà Địa lý học kiệt xuất của nhân loại, thành viên Hội Địa lý Paris - Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn. Qua đó, tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Các nhà nước Việt Nam từ thời kỳ quân chủ cho đến thời kỳ hiện nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác trong Biển Đông./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết