Tiếng Việt | English

02/06/2017 - 20:49

Cần Đước: Lá cờ đầu trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Song song với phát triển KT-XH, huyện Cần Đước, tỉnh Long An luôn quan tâm và thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác dân số - sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa
gia đình (DS-SKSS-KHHGĐ).

 Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện - Trần Kim Liên tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình

Sức lan tỏa từ huyện văn hóa

Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện, các chính sách DS-KHHGĐ được triển khai rộng khắp và thực hiện hiệu quả; phong trào xây dựng gia đình có 2 con được cộng đồng tích cực hưởng ứng. Trong tiến trình xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa, các điều kiện thụ hưởng về văn hóa, tinh thần được nâng lên, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin trên mọi lĩnh vực, nhất là các nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số,... Từ đó, tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi của cộng đồng đối với chương trình DS-SKSS-KHHGĐ.

"Để phát huy tốt hiệu quả công tác và phong trào DS-KHHGĐ, huyện tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy làm công tác này từ huyện đến cơ sở; quan tâm đầu tư nguồn lực cho truyền thông, nâng cao chất lượng dân số và quản lý dân số; quan tâm đến sức khỏe người cao tuổi và sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên".

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy

Phó Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Bảy cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ban hành nhiều chương trình, chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, công văn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sâu sát các chương trình, mục tiêu về DS-KHHGĐ; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ về DS-KHHGĐ vào nghị quyết, chương trình phát triển KT-XH của huyện, xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng duy trì và phát huy huyện điểm điển hình về văn hóa và xây dựng xã nông thôn mới”. Và từ kết quả xây dựng huyện văn hóa tác động, tạo hiệu ứng bền vững cho chương trình DS-KHHGĐ.

Thành công từ đội ngũ cán bộ

Cán bộ là “gốc” của mọi công việc. Hiệu quả của công tác DS-KHHGĐ ở huyện là do đội ngũ cán bộ, cộng tác viên nhiệt tình và phong trào có tính xã hội hóa cao. Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ từ huyện đến cơ sở luôn được củng cố, kiện toàn. Mạng lưới 340 cộng tác viên DS-KHHGĐ hoạt động hiệu quả và phân bổ đều khắp các địa bàn dân cư. Qua đội ngũ này, hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành về DS-KHHGĐ được cải tiến và hoàn thiện, phục vụ tốt yêu cầu quản lý, điều hành các chương trình DS-SKSS-KHHGĐ trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Bảy trao bằng khen cho UBND xã Tân Lân đạt hạng 3 phong trào dân số - sức khỏe sinh sản năm 2016

Mặt khác, từ chính đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tuyên truyền viên, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục được triển khai thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, phù hợp từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cần Đước còn phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể xây dựng, duy trì rất nhiều mô hình truyền thông, tư vấn mang lại hiệu quả cao. Đó là các mô hình: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, đưa chính sách DS-KHHGĐ vào quy ước ấp, khu phố văn hóa, mô hình ấp, khu phố, xã, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên, ngăn ngừa mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc SKSS vị thành niên - thanh niên, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung,... cùng nhiều mô hình của đoàn thể lồng ghép mục tiêu DS-KHHGĐ vào phát triển KT-XH. Chính các mô hình này là hạt nhân quan trọng trong tuyên truyền, tư vấn, thực hiện nội dung DS-SKSS-KHHGĐ. Đặc biệt, mô hình tư vấn chăm sóc SKSS vị thành niên - thanh niên qua điện thoại giúp các em có kiến thức tốt về giới, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.

Một trong những nhân tố xuất sắc của công tác DS-KHHGĐ huyện Cần Đước chính là bà Trần Kim Liên -Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện.

Bà Liên là điển hình toàn khóa cấp tỉnh trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015. Với cương vị lãnh đạo đơn vị, bà Liên luôn thể hiện tinh thần dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nói đi đôi với làm, biết lắng nghe và phát huy năng lực, trí tuệ của tập thể; lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Bản thân bà có nhiều thành tích trong công tác DS-KHHGĐ của địa phương, là chiến sĩ thi đua cơ sở 6 năm liền, chiến sĩ thi đua cấp ngành và đảng viên xuất sắc 6 năm liền (2010-2015),...

Động lực từ phong trào thi đua

Nhằm khuyến khích thực hiện có chất lượng và hiệu quả phong trào DS-KHHGĐ, hàng năm, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cần Đước phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện phát động phong trào thi đua với chuyên đề “Các xã, thị trấn chủ động sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về DS-SKSS-KHHGĐ”, lấy kết quả đó để đánh giá thành tích hàng năm của các tập thể, cá nhân. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ huyện đưa chỉ tiêu DS-KHHGĐ vào thang điểm thi đua, xếp loại hàng năm của các ngành, đoàn thể. Từ đó, có tác dụng thúc đẩy phong trào thực hiện DS-KHHGĐ đạt hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Bảy (bên trái) nhận cờ thi đua phong trào dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2016 do UBND tỉnh trao tặng

Trên tinh thần kế hoạch của UBND huyện, các xã, thị trấn phát động phong trào thi đua thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ hàng năm; kịp thời khen thưởng những gương điển hình trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Từ phong trào thi đua, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tốt. Cuối năm 2016, toàn huyện có 10 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên, cụ thể: Long Trạch giữ vững 6 năm; Phước Vân, Mỹ Lệ giữ vững 5 năm; Long Sơn, Long Hòa, Phước Tuy giữ vững 4 năm; Long Hựu Tây giữ vững 3 năm;...Có 109/118 ấp, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên. 

Từ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số nên kết quả thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh nhà nước giao 6 năm liền trong phong trào DS-KHHGĐ luôn đạt loại xuất sắc, trong đó có 4 năm nhận cờ thi đua, 2 năm nhận bằng khen của UBND tỉnh. Riêng Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, 6 năm liền đạt hạng nhất toàn tỉnh về chuyên môn, 5 năm liền nhận cờ thi đua của tỉnh.

Nhờ vậy, tỷ suất sinh thô trên địa bàn huyện giảm đều theo từng năm, duy trì được mức sinh thay thế; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn 1,63%. Các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số đều vượt kế hoạch được giao. Công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên - thanh niên được triển khai thực hiện tại tất cả trường THCS và THPT và 17 xã, thị trấn.

Hiệu quả từ công tác DS-KHHGĐ góp phần vào quá trình xây dựng, củng cố danh hiệu huyện văn hóa./.

Tấn Lộc - Hoàng Nguyễn

Chia sẻ bài viết