Tiếng Việt | English

27/01/2020 - 08:11

Gọn bộ máy, tăng hiệu quả

Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) là một trong những huyện biên giới đi đầu trong việc rà soát, sắp xếp, tinh giản biên chế, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Lợi ích kép

Gần đến Tết Nguyên đán Canh Tý, tranh thủ những lúc không có khách đến yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, chị Nguyễn Thị Kim Ngân - cán bộ “một cửa” xã biên giới Thái Bình Trung, sắp xếp lại kho lưu trữ hồ sơ ngăn nắp, khoa học hơn, sau đó thay nước các chậu phát tài, trầu bà, vô phân chậu lan ý, hồng môn tại phòng chờ để kịp đón chào năm mới. Mùa xuân như chạm cửa nơi đón tiếp người dân của xã!

Rà soát, sắp xếp, tinh giản biên chế, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động

Xã hiện có 22 cán bộ, công chức bảo đảm theo quy định (xã loại I) sau khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Đề án 02/TU của Tỉnh ủy, Đề án 03-ĐA/HU của Huyện ủy, Kế hoạch số 43-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy. Riêng bộ phận “một cửa” của UBND xã hiện có 1 cán bộ trực tiếp tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” với 30 lĩnh vực, 137 thủ tục. “Tinh giản biên chế nên cán bộ, công chức kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, phải nỗ lực cao mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2019, bộ phận “một cửa” của xã tiếp nhận và giải quyết hơn 3.000 thủ tục hành chính, trong đó, giải quyết trước hạn hơn 50% hồ sơ các loại” - chị Kim Ngân chia sẻ.

Thái Bình Trung cũng là địa phương duy nhất được huyện chọn triển khai thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. “Ưu điểm của mô hình là giúp người đứng đầu thực hiện công việc một cách trôi chảy hơn. Ngày trước, thông thường, một cuộc họp chỉ giải quyết được một công việc của cấp ủy hoặc ủy ban nhưng bây giờ có thể giải quyết 2-3 công việc, vừa thuận tiện, vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí và giảm được các khâu trung gian như báo cáo, xin ý kiến,... Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Một lúc đảm nhiệm 2 vai trò nên khối lượng công việc lớn. Khi đi công tác, nhiều công việc ở cơ quan, cấp phó không đủ thẩm quyền giải quyết lại phải chờ đợi,...” - Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung - Đỗ Thị Yến cho bết.

Đến nay, Vĩnh Hưng hoàn chỉnh việc nhất thể hóa các chức danh; sáp nhập các cơ quan, đơn vị; giải thể, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp theo đề án. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Hưng - Phan Văn Bằng, nhiều cơ quan, đơn vị sau sáp nhập, sắp xếp tinh gọn lại bộ máy từng bước đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Kết quả này nhờ trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, người đứng đầu cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, đoàn kết nội bộ cũng được phát huy trên tinh thần dân chủ, lắng nghe và cùng giải quyết những khó khăn.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, các đơn vị cấp xã của huyện cơ bản hoàn thành sắp xếp người hoạt động không chuyên trách, bảo đảm đủ số lượng theo quy định (loại I còn từ 7 chức danh, loại 2 từ 6 chức danh); 55/55 ấp, khu phố trên địa bàn hoàn thành việc sắp xếp người hoạt động không chuyên trách, bảo đảm mỗi ấp, khu phố giảm còn từ 3-4 chức danh. Việc thực hiện tinh giản người hoạt động không chuyên trách là tất yếu nhằm hướng tới mục tiêu một người có thể làm nhiều việc để tiết kiệm nhân lực và ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện tinh giản người hoạt động không chuyên trách cũng cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.

Thị trấn Vĩnh Hưng hôm nay

Thị trấn Vĩnh Hưng hôm nay

Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A - Trương Hồng Non, hiện nay, đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Chính phủ, Bộ Nội vụ chưa ban hành những quy định cụ thể về chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, vì vậy rất khó quản lý theo quy định của pháp luật đối với đội ngũ này. Mặt khác, theo quy định hiện nay, ngoài mức phụ cấp hàng tháng “có tính chất như lương” và trợ cấp theo bằng cấp chuyên môn thì những người hoạt động không chuyên trách cấp xã không được hưởng một số phụ cấp khác như chức vụ, phụ cấp theo phân loại xã. Trong khi đó, họ phải đảm nhận khối lượng công việc khá lớn”.

“Ở mỗi chức danh cụ thể, người hoạt động không chuyên trách cấp xã có một đặc điểm riêng, không giống nhau về trình độ, năng lực, hoàn cảnh. Bên cạnh đó, một số chức danh hội, đoàn thể phải thông qua đại hội, thực hiện theo điều lệ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị, việc sắp xếp người kiêm nhiệm công việc người hoạt động không chuyên trách sau khi xử lý dôi dư theo Nghị định 34 nên giao cho từng địa phương chủ động quyết định” - Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung - Đỗ Thị Yến đề xuất.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Phan Văn Bằng thông tin, huyện tiếp tục rà soát, chỉ đạo người đứng đầu các ban, ngành, địa phương tích cực trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, làm tốt công tác tư tưởng, vận động những người không chuyên trách thực hiện theo chủ trương chung. Đồng thời, lựa chọn người có trình độ năng lực, kinh nghiệm công tác để sắp xếp thực hiện kiêm nhiệm công việc phù hợp với tình hình thực tế của xã. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền cần có những quy định về việc tuyển dụng, bố trí các chức danh không chuyên trách ở cấp xã không qua bầu cử; ban hành quy định cụ thể về chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của những người hoạt động không chuyên trách để thuận tiện trong quá trình quản lý của đội ngũ này.

Sớm hoàn thiện tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, Vĩnh Hưng sẽ ngày càng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên hành trình xây dựng quê hương./.

Trường Sa

Chia sẻ bài viết