Tiếng Việt | English

28/02/2019 - 14:57

Nghị lực của cô gái khuyết tật

Nhà nghèo, 5 tuổi, sau cơn sốt bại liệt, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An phải gắn bó cả đời trên chiếc xe lăn. Vượt qua những mặc cảm, chị làm nhiều nghề mưu sinh với mong muốn cải thiện cuộc sống gia đình và giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ.

Sau khi bán vé số về, chị Ánh Hồng tranh thủ thời gian làm mứt dừa bán kiếm thêm thu nhập

Sau khi bán vé số về, chị Ánh Hồng tranh thủ thời gian làm mứt dừa bán kiếm thêm thu nhập

Gần 20 năm qua, mỗi buổi sáng, khi đi qua Đường tỉnh 825, mọi người thường thấy cô gái khuyết tật 2 chân ngồi trên chiếc xe lăn bán vé số. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phến cố nén đi nỗi đau kể về cô con gái đáng thương của mình. “Lên 5 tuổi, toàn thân Hồng trở nên đau nhức, đi lại khó khăn. Lúc này, nhà rất nghèo, tôi phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để đưa con đi khám tại các bệnh viện: Nhi đồng TP.HCM, Chợ Rẫy TP.HCM, 115,... Nhưng cứ đi đến đâu, các bác sĩ đều lắc đầu vì bệnh của con nằm ngoài khả năng chữa trị” - bà Phến bộc bạch.

Hàng ngày, để có tiền thuốc cho con gái, vợ chồng bà Phến phải tất bật với nhiều công việc làm thuê. Bà Phến tâm sự: “Nỗi đau của con gái là quá lớn, dù khổ cực đến đâu, chúng tôi cũng cam chịu. Nhưng bù lại, gia đình tôi rất vui vì con gái rất ngoan, hiếu thảo với cha mẹ. Mọi sinh hoạt từ chuyện ăn uống cho đến sinh hoạt cá nhân, con tự mình làm hết. Mỗi khi mẹ đi làm về, trên người còn đầy mồ hôi, con vội đến lấy khăn lau cho mẹ”.

Thấu hiểu được cuộc sống khổ cực của gia đình, nhiều lần chứng kiến những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt của cha và đôi lần thấy mẹ khóc, học chưa hết lớp 8, Ánh Hồng xin nghỉ, ở nhà phụ giúp gia đình. “Cha mẹ luôn động viên tôi đến lớp nhưng vì điều kiện đi lại, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên tôi quyết định nghỉ học” - chị Ánh Hồng chia sẻ.

Dù đang gánh chịu bệnh tật nhưng chị biết cách đi lấy vé số về bán, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị Ánh Hồng bày tỏ: “Lúc đầu, việc mua bán của tôi gặp nhiều khó khăn. Khách đi qua, lại nhìn thấy thân hình của tôi ốm nhom, tay, chân yếu ớt, không dám đến gần. Nhưng về sau, mọi người hiểu được cuộc sống của tôi, của gia đình nên chuyện buôn bán dần được cải thiện”.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, chị bán 300 tờ vé số, thu lãi 300.000 đồng. Sau khi bán vé số về, chị tranh thủ thời gian làm mứt dừa, mứt gừng, rau câu dừa, củ cải muối,... bán tăng thêm nguồn thu nhập, phụ giúp gia đình. “Có những lúc trời trở lạnh, căn bệnh hoành hành, Hồng giấu chúng tôi, cố nén nỗi đau trong người, gượng dậy đi bán vé số hay phụ giúp việc nhà” - bà Phến xúc động nói.

Vui vẻ, hoạt bát, hòa đồng, nhiệt tình,... là những gì chúng tôi cảm nhận được sau lần tiếp xúc với chị Ánh Hồng. Chị không ngần ngại chia sẻ về những dự định, ước mơ của riêng mình. Chị ráng làm kiếm tiền để mở xưởng may mặc hay cơ sở sản xuất bánh, mứt truyền thống, trước hết để tăng nguồn thu nhập cho gia đình, sau đó, truyền nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là những người tàn tật, có cùng cảnh ngộ như mình.

Suốt một buổi trò chuyện, lúc nào đôi mắt của chị Nguyễn Thị Ánh Hồng cũng sáng lên niềm tin, hy vọng ngành y ngày càng tân tiến, có thể giúp đôi chân của mình đi lại như xưa, tránh được căn bệnh đau nhức đang ngày đêm hoành hành./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết