Tiếng Việt | English

25/10/2018 - 10:35

Xà phòng từ lá chùm ruột - sáng tạo “chân quê”

Trong lễ tổng kết cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của nhóm 4 học sinh Trường THPT An Ninh (xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Các bạn là nhóm tác giả duy nhất của tỉnh có đề tài đoạt giải trong cuộc thi này với đề tài Nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của lá chùm ruột ứng dụng sản xuất xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường.

Nhóm tác giả của đề tài “Nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của lá chùm ruột ứng dụng sản xuất xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường”

Nhóm tác giả của đề tài “Nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của lá chùm ruột ứng dụng sản xuất xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường”

Đây cũng là lần đầu tiên, Trường THPT An Ninh có học sinh đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo cấp toàn quốc. Bí thư Đoàn trường THPT An Ninh - Nguyễn Thanh Tú cho biết: “Trường chúng tôi hiện nay còn nhiều khó khăn nên điều kiện của các em đang theo học tại trường cũng không được như những nơi khác. Tuy nhiên, các em rất nỗ lực. Hiện khối 12 của trường có 1 lớp chọn chuyên tự nhiên, 4 em có đề tài đoạt giải đều học lớp này. Không chỉ học tốt, các em còn năng động tham gia hoạt động Đoàn, 2 trong 4 em là thành viên Câu lạc bộ tình nguyện Én Xanh do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện quản lý”.

Nhóm tác giả mà chúng tôi nhắc đến gồm 4 học sinh: Phạm Trường Giang, Phạm Thanh Phong, Lê Minh Thiện và Huỳnh Trần Mỹ Quyên. Các em đều đang học lớp 12. Mỹ Quyên chia sẻ, khởi nguồn sáng kiến là từ Minh Thiện. Giữa năm học lớp 11, Minh Thiện bị bệnh ngoài da và được cha điều trị bằng cách dân gian là đắp lá chùm ruột. Khỏi bệnh, Minh Thiện cứ thắc mắc mãi về công dụng của loại lá cây dân dã này. Khi nhà trường phát động cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, Minh Thiện như “cá gặp nước”. Em chia sẻ suy nghĩ của mình với các bạn trong nhóm và thầy Lê Trọng Đức, lúc đó là giáo viên dạy Hóa của trường cũng là giáo viên hướng dẫn thực hiện đề tài tham gia cuộc thi sáng tạo. Ý tưởng nhanh chóng được đồng tình, với sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy Đức, nhóm bạn bắt tay vào thực hiện đề tài.

Để biến những lá chùm ruột xanh trên cây thành viên xà phòng rửa tay, nhóm bạn và thầy Đức cần hơn 3 tháng. Lá được hái, phơi khô, xay nhuyễn, tạo ra cao chiết và từ cao chiết sản xuất xà phòng. Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cao chiết từ lá chùm ruột có tính kháng khuẩn Staphylococus arueus - loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm nghiêm trọng: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng tiểu, viêm màng tim,... Minh Thiện kể, từ khi có kết quả từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bạn trong nhóm mừng như “bắt được vàng”. Minh Thiện nói: “Nhận được kết quả, tụi em vui lắm, không bỏ công sức mấy tháng trời hái, phơi, xay và chiết cao. Lúc đó, tụi em chỉ còn một bước nữa là sản xuất xà phòng thôi”.

Với sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Đức, các bạn tạo ra sản phẩm xà phòng hoàn chỉnh với phôi xà phòng, chất kháng khuẩn từ lá chùm ruột và chút tinh dầu để tạo mùi. Sản phẩm hoàn tất được gửi ngay cho cuộc thi cấp tỉnh, đoạt giải ba, được chọn tham gia cuộc thi do Trung ương Đoàn tổ chức. Và viên xà phòng “dân dã” của những học sinh Trường THPT An Ninh chính thức trở thành đề tài duy nhất của tỉnh đoạt giải cấp Trung ương năm nay. Niềm vui vỡ òa với cả nhóm. Phạm Thanh Phong chia sẻ: “Em thực sự chưa dám tin là sản phẩm của mình đoạt giải khuyến khích cấp Trung ương. Mặc dù biết kết quả từ hôm trước nhưng đến nay, em vẫn thấy vui lắm!”.

Cũng phải, không vui sao được khi công sức và sáng kiến của các em được công nhận. Các em cũng là nhóm học sinh đầu tiên của trường đoạt giải cuộc thi sáng tạo cấp Trung ương. Trường THPT An Ninh nép bên Đường tỉnh 825, khuôn viên trường nhỏ, sân chưa được tráng bêtông, các dãy phòng học nhỏ và cũ kỹ. Nhưng tất cả những điều đó không ngăn được học sinh và giáo viên trường nỗ lực học tập, nghiên cứu. Từ những điều gần gũi và dân dã ngay bên cạnh, nhóm các bạn Giang, Phong, Thiện, Quyên cùng thầy Đức đã tạo nên một sản phẩm có tính ứng dụng và được ghi nhận. Đó vừa là niềm vui, vừa là động lực để các bạn tiếp tục phát huy trong hành trình vào đời sắp tới của mình./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết