Tiếng Việt | English

30/12/2021 - 09:45

KỶ NIỆM 25 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH BÌNH PHƯỚC (1/1/1997 - 1/1/2022)

Bình Phước và con đường tôi đã chọn (Kỳ 1)

Tháng 11/2017, cuốn hồi ký “Bình Phước và con đường tôi đã chọn” của Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước giai đoạn 1997-2001 Bùi Thanh Phong được xuất bản. Cuốn hồi ký được hoàn thiện qua ghi chép, thể hiện của nhà báo Trần Phương, kể về quá trình rèn luyện, chiến đấu, đồng cam cộng khổ với đồng đội, đồng chí và nhân dân cả trong chiến tranh và xây dựng quê hương sau khi hòa bình. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, Báo Bình Phước trân trọng trích đăng một số nội dung trong cuốn hồi ký.

"Phó đi, trưởng ở lại"

Khi Trung ương có quyết định cho tách, lúc đầu tôi không biết. Anh Sáu Phong (Nguyễn Minh Triết, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, sau này làm Trưởng ban Dân vận Trung ương, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước) đi họp về phổ biến tôi mới biết. Anh Sáu Phong nói tôi phải chuẩn bị, Ban Tổ chức Trung ương kêu tôi cùng ảnh ra Hà Nội làm công tác nhân sự cho 2 tỉnh. Chúng tôi xách cặp ra Hà Nội làm việc với Ban Tổ chức và Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn cụ thể và yêu cầu chúng tôi về làm danh sách dự kiến nhân sự cho 2 tỉnh để trình Ban Bí thư. Tôi về họp Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau đó báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Phương án được đưa ra là thực hiện theo chủ trương "phó đi, trưởng ở lại", "phó ở Sông Bé lên làm trưởng ở Bình Phước". Tất cả các cơ quan đều áp dụng phương án đó. Trong số các lý do đưa ra phương án "phó đi, trưởng ở lại", "phó ở Sông Bé lên làm trưởng ở Bình Phước", có một lý do tôi nghĩ rất xác đáng, đó là phó thường tuổi còn trẻ hơn trưởng. Phó đi lên Bình Phước làm trưởng, là vừa có kinh nghiệm lãnh đạo, vừa còn nhiều thời gian công tác hơn, sẽ thuận lợi hơn cho cả anh em và cho tỉnh phát triển.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé phát biểu tại buổi họp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Sông Bé, Bình Phước, Bình Dương (Đồng chí Bùi Thanh Phong, ngồi đầu tiên bên trái). Ảnh Cẩm Liên

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé phát biểu tại buổi họp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Sông Bé, Bình Phước, Bình Dương (Đồng chí Bùi Thanh Phong, ngồi đầu tiên bên trái). Ảnh Cẩm Liên

Đối với nhân sự lãnh đạo tỉnh, anh Sáu Phong rất quan tâm. Anh ấy cứ kêu tôi hỏi hoài. Một hôm ảnh hỏi cụ thể: 

- Năm Phong xem bây giờ ai lên trên đó làm bí thư đây?

Tôi thẳng thắn trả lời:

- Cũng có nhiều người làm được lắm. Anh Năm Đức (lúc đó là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) trước đây làm Bí thư Đồng Phú, giờ trở lại làm Bí thư Bình Phước rất tốt, sẽ giúp được rất nhiều cho Bình Phước.

Sau đó họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, anh Sáu Phong đề xuất anh Năm Đức lên làm Bí thư Bình Phước. Anh Năm Đức nói:

- Trời ơi, tôi đi lên trển 2 nhiệm kỳ, gần 10 năm, giờ lại đi nữa sao? Sức khỏe tôi đã yếu, chắc tôi không đi nổi.

Anh Năm Đức cũng có cái khó. Nhà anh ấy ở Thủ Dầu Một, gần chục năm phải đi làm xa gia đình như vậy, bây giờ đi nữa tội anh ấy. Buổi họp Ban Thường vụ tiếp theo, anh Sáu Phong nói:

- Chỉ có đồng chí Năm Đức và đồng chí Năm Phong. Đồng chí Năm Đức không đi thì đồng chí Năm Phong phải đi, không có ai nữa hết.

Thường trực Tỉnh ủy Sông Bé lúc bấy giờ có anh Nguyễn Minh Triết là Ủy viên Trung ương, Bí thư; anh Hồ Minh Phương là Phó bí thư Thường trực, trước đó là Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; anh Nguyễn Minh Đức là Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh. Lúc đó anh Nguyễn Minh Triết cũng sắp chuyển công tác về TP. Hồ Chí Minh, ngay trong tháng 1/1997. Tôi hiểu anh ấy cũng muốn nhanh chóng giải quyết dứt điểm vấn đề tách tỉnh, mọi việc đã rất gấp rút.

Thực tâm tôi không có ý định đi Bình Phước. Lúc đó muốn ở lại, phân công làm gì cũng được. Bởi khi ấy tôi đã 56 tuổi, có đi cũng chỉ làm nốt nhiệm kỳ đang dở dang nữa là nghỉ hưu, nên nhiều cái khó, đồng thời cũng muốn anh em trẻ lên làm, xốc vác hơn, lâu dài hơn. Dù vậy, khi anh Sáu Phong có ý kiến dứt khoát như thế, tôi nói:

- Đảng có nghị quyết, Thường vụ có nghị quyết thì tôi sẵn sàng đi. Tôi cũng làm hết nhiệm kỳ là nghỉ, chứ không còn tuổi nữa.

Anh Sáu Phong sau đó làm công tác tư tưởng với tôi cả trong cuộc họp và anh em tâm tình. Anh ấy nói: 

- Bình Phước là Phước Long và Bình Long gộp lại. Bình Long là địa bàn anh chiến đấu suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ. Anh em từng chiến đấu với anh đều biết anh. Sau giải phóng, Bình Long đưa anh đi học, rồi 10 năm anh làm Bí thư Bình Long. Mối quan hệ của anh với anh em Phước Long cũng rất tốt. Anh về Bình Phước rất thuận lợi. Việc đầu tiên của Bình Phước khi đi vào hoạt động là đoàn kết nội bộ. Chỉ anh là người thích hợp nhất, làm tốt nhất việc đó, không ai lên đó làm tròn trách nhiệm ấy bằng anh. 

Anh Sáu Phong phân tích sâu sắc và trách nhiệm như thế, tôi không nói được gì nữa và vui vẻ nhận nhiệm vụ với tư cách cá nhân với anh ấy. Đêm đó, tôi về nghĩ: Mình nhận nhiệm vụ thì nhận rồi đây. Nhưng nhận rồi phải làm gì khi mà chỉ còn hơn 4 năm công tác nữa? Mình làm được bao nhiêu công việc để lại cho tỉnh? Nhiều chuyện khiến tôi ray rứt lắm./.

Còn tiếp

Theo Báo Bình Phước

Chia sẻ bài viết