Tiếng Việt | English

01/01/2022 - 07:15

KỶ NIỆM 25 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH BÌNH PHƯỚC (1/1/1997 - 1/1/2022)

Bình Phước và con đường tôi đã chọn (Kỳ 5)

Tháng 11/2017, cuốn hồi ký “Bình Phước và con đường tôi đã chọn” của Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước giai đoạn 1997-2001 Bùi Thanh Phong được xuất bản. Cuốn hồi ký được hoàn thiện qua ghi chép, thể hiện của nhà báo Trần Phương, kể về quá trình rèn luyện, chiến đấu, đồng cam cộng khổ với đồng đội, đồng chí và nhân dân cả trong chiến tranh và xây dựng quê hương sau khi hòa bình. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, Báo Bình Phước trân trọng trích đăng một số nội dung trong cuốn hồi ký.

Bắt đầu từ hạ tầng giao thông

Ngay khi mới đi vào hoạt động, Tỉnh ủy đã có chủ trương vấn đề đường sá là "số 1" nhằm đặt nền móng cho phát triển kinh tế và bứt phá kêu gọi, thu hút đầu tư; trường học là "số 2", chăm lo đời sống cho nhân dân là "số 3", trong đó Bệnh viện đa khoa tỉnh là ưu tiên của "số 3". Song song với các chủ trương lớn đó, là củng cố tổ chức đảng.

Hạ tầng giao thông đã được lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm, đặt nền móng cho phát triển kinh tế và kêu gọi, thu hút đầu tư. Ảnh: Phú Quý

Hạ tầng giao thông đã được lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm, đặt nền móng cho phát triển kinh tế và kêu gọi, thu hút đầu tư. Ảnh: Phú Quý

Đối với bứt phá để thu hút đầu tư, tôi nghĩ trước nhất phải dành dụm tiết kiệm, phát triển cơ sở hạ tầng. Lúc đưa ra chủ trương anh em nhất trí, nhưng sau tiết kiệm hoặc ưu tiên vốn dành cho đầu tư hạ tầng được chừng 2-3 năm, anh em cực khổ quá, kêu than dữ lắm. Tôi tới từng cơ quan sinh hoạt cùng anh em, kêu gọi:

- Bây giờ mình ráng chịu khó, chịu khổ, chắc có lẽ không chết so với trong chiến tranh một cái võng cũng ngồi làm việc được. Tất nhiên không thể như vậy hoài, nhưng cũng không làm ngay được. Bởi ngân sách của mình khi chia tỉnh đâu có nhiêu, phải đi vay mượn Trung ương, Bình Dương. Vì thế, xây dựng hạ tầng trước nhất ưu làm đường sá về huyện. 

Thời Sông Bé, từ tỉnh đi công tác về huyện Phước Long, Bù Đăng, Lộc Ninh một ngày về không nổi. Đường sá đá gồ ghề, sụt lún, ổ voi, ổ trâu, xe cộ đi không được mà còn bị hư hỏng... Tôi thấm cái đó dữ lắm, nên quyết phải làm đường trước. Khi còn Sông Bé, đường ĐT 741 từ Bình Dương qua Đồng Phú lên Phước Long đã ủi ra rồi, nhưng ngân sách không tập trung, nên để ngổn ngang. Đó cũng là lý do sau này Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá nếu không làm nhanh con đường đó, thì thị xã Đồng Xoài có xây dựng xong cũng như cái đảo. Lúc đó, trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tôi chỉ đạo phải ưu tiên làm điện, đường, trường, trạm. Cần phải vừa xây dựng trung tâm hành chính tỉnh, vừa làm đường. Khi đặt ra mục tiêu như vậy, có đồng chí nói triển khai nhiều quá như thế làm không nổi. Biết còn quá nhiều khó khăn khi mình là "nhà nghèo", nhưng tôi vẫn quyết tâm:

- Làm gì thì làm, phải có đường để đi. Trung tâm tỉnh mà không có đường tới - lui thì ai đến đầu tư? Doanh nghiệp lên tới nơi, người ta ngán quá không dám quay lại nữa!

Tháng 10/1997, tôi và anh Ba Thống đi dự Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh. Đại biểu dự đại hội cho biết hôm trước đó dân đi xe đò TP. Hồ Chí Minh về Bù Đốp, chiều tới Lộc Ninh thì bị bể bánh vì đường xấu phải ngủ lại Lộc Ninh, họ kêu quá trời. Anh Ba Thống nói với tôi:

- Anh Năm lên phát biểu với đại hội quyết làm đường đi. 

Tôi lên phát biểu, quyết nâng cấp QL 13, đại hội vỗ tay quá trời. Đường giao thông lúc đó "bức xúc" lắm. Đi đâu cán bộ và nhân dân cũng kêu. Bản thân tôi cũng là "người trong cuộc" nên hiểu rất rõ điều đó. Khi ấy, mỗi lần về nhà bên Chơn Thành, từ Đồng Xoài tôi phải ngược ĐT 741 về Bình Dương rồi đi QL 13 mới về được. Bởi vì QL14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành đi không nổi, cầu Sông Bé sập thì chưa sửa... Đồng Xoài - Chơn Thành chưa tới 40km, nhưng lúc đó tôi phải đi hơn trăm cây số. Xem xét tổng thể xong, tôi nghĩ không thể chậm trễ được nữa, thêm một vấn đề phải chạy đua với thời gian là làm đường. Tôi chỉ đạo trong họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành với nội dung chưa có tiền thì cứ vay ngân sách làm, đường giao thông phải được ưu tiên hàng đầu. Tôi nói:

- Vay ngân sách, chúng ta không sợ. Cứ công khai với dân, công khai tại hội đồng nhân dân để làm.

Làm đường, xóa trường học tranh tre nứa lá, kéo điện, làm trạm y tế, bệnh viện... cái gì cũng cần tiền nhưng không có tiền. Để giải quyết nhanh chóng, tôi với anh Ba Thống cùng nhau ra Hà Nội làm việc với Bộ Tài chính để vay tiền. Bữa đó Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng mắc công tác. Làm việc với chúng tôi là một thứ trưởng. Tôi và anh Ba Thống báo cáo hết tình hình thực tế của Bình Phước. Nghe xong, anh ấy rất chia sẻ, rồi nói:

- Các đồng chí yên tâm, tôi sẽ báo cáo với Bộ trưởng và thông qua Thủ tướng. Chắc các anh sẽ được vay, còn vay được bao nhiêu tôi chưa dám hứa. 

Tôi nói:

- Anh không dám hứa, tụi tui không dám về. 

- Vậy các anh chờ tới ngày mai. Tối họp tôi hỏi ý kiến Bộ trưởng, mai trả lời các anh.

Hôm sau anh ấy trả lời Bộ trưởng đồng ý với đề xuất của tỉnh, thông qua rồi và kêu chúng tôi về, sẽ có tiền. Đúng kỳ, tỉnh vay được tiền và bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng... Hồi đó tôi đề xuất cho tỉnh vay theo chu kỳ, đến hạn trả hết rồi vay tiếp. 

Có tiền, trong vòng mấy tháng các tuyến đường huyết mạch của tỉnh đều được triển khai nâng cấp, mở rộng. Mặc dù còn bộn bề, nhưng nhân dân rất phấn khởi vì sau khi tái lập tỉnh, đã có những chuyển biến rất tích cực, nhanh chóng. Sau này nhiều người nghĩ lại chuyện đường sá, giao thông lúc Bình Phước mới tái lập tỉnh, ai cũng ám ảnh. Đặt nền móng cho phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển kinh tế là một trong những thành công trong những năm đầu tái lập tỉnh. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định hết nhiệm kỳ đầu tiên sau ngày tái lập đó, cũng có những mục tiêu đạt nhưng không cao hoặc không đạt. Song, sau này như tôi từng nói với anh em: 

- Xác định ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Bởi nếu không có hạ tầng thì không thể nói gì đến phát triển, có chăng chỉ là nói "trên giấy", "nói chơi" với nhau mà thôi.

Anh em giỡn lại với tôi:

- Mấy anh mở đường sá tốt quá, dẫn tới... mất rừng. Bởi vì lâm tặc nó chở gỗ lậu quá thuận tiện chứ không như trước nữa, các anh được cái này nhưng mất cái kia!

Anh em nói giỡn trên cơ sở lập luận của anh em. Tôi cho rằng mất rừng là do quản lý của mình yếu kém, không thể đổ thừa như vậy./.

Còn tiếp

Theo Báo Bình Phước

Chia sẻ bài viết