Tiếng Việt | English

25/04/2016 - 10:29

Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập: Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, trong gia đình nhà Nho nghèo. Thân sinh là cụ Hà Huy Tường đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan mà trở về nhà dạy học và bốc thuốc. Mẹ là Nguyễn Thị Lộc, một phụ nữ nông dân thực thụ quanh năm chân lấm, tay bùn, tần tảo nuôi chồng, nuôi con.

Hà Huy Tập là 1 trong 5 người con của gia đình, lúc nhỏ tên là Hà Huy Khiêm, còn gọi là Ba. Từ năm 1910 đến 1919, ông học chữ Nho tại quê nhà và học tiểu học tại thị xã Hà Tĩnh. Với tư chất thông minh, tiếp thu nhanh, trí nhớ tốt, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Hà Huy Tập quyết định thi vào Trường Quốc học Huế. Suốt 5 năm học (1919-1923), ông đều được xếp hạng nhất, nhì trong lớp, được nhiều phần thưởng, học bổng của trường.

Năm 1924, sau khi lấy bằng Diplôme (tốt nghiệp Tú tài) hạng ưu, Hà Huy Tập được phân về dạy tại Trường Tiểu học Nha Trang (nay là Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi). Tại đây, ông vừa dạy học, vừa bắt đầu hoạt động cách mạng. Tháng 6-1926, ông gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; rồi tham gia lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại Khánh Hòa.

Tháng 8-1926, bị chính quyền thực dân theo dõi trục xuất khỏi Nha Trang, Hà Huy Tập đổi về dạy học ở Vinh (Nghệ An). Tháng 3-1927, ông lại bị sa thải do tham gia Hội Phục Việt và Hội Hưng Nam nên phải chuyển vào Sài Gòn dạy học và hoạt động. Tháng 1-1928, do kích động học sinh bãi khóa đấu tranh, ông tiếp tục bị sa thải.

Cuối năm 1928, Hà Huy Tập được Tân Việt cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) nhằm bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, ông được dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Lý Thụy (Bác Hồ) tổ chức, sau đó được cử đi học tại Mátxcơva với bí danh Xinhítxkin cho đến tháng 4-1933. Trong thời gian ở Liên Xô, là trí thức trẻ, giỏi lý luận, Hà Huy Tập tham gia soạn thảo “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương” và tự tay viết “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”. Với tác phẩm này, ông được xem là một trong số ít người sớm nhất viết lịch sử Đảng ta. Tháng 8-1933 đến tháng 7-1936, ông về Quảng Châu trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, cùng Trung ương tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I ở Ma Cao - Trung Quốc (từ 27 đến 31-3-1935); đến ngày 26-7-1936, ông được cử làm Tổng Bí thư của Đảng.

Cuối tháng 7-1936 đến 3-1938, Hà Huy Tập về nước, bắt tay khôi phục các ban của Đảng và các tổ chức quần chúng; chỉ đạo Đảng hoạt động công khai và bán công khai. Với vốn lý luận sắc bén và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, ông chỉ đạo tổ chức các ủy ban hành động ở Nam kỳ và trực tiếp lãnh đạo báo chí của Đảng. Từ ngày 29 đến 30-3-1938, ông chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm và thôi giữ chức Tổng Bí thư, nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương Đảng.

Ngày 1-5-1938, do có chỉ điểm, Hà Huy Tập bị mật thám Pháp bắt trong khi dự cuộc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn. Tòa sơ thẩm Sài Gòn kết án tiểu hình tuyên phạt 8 tháng tù và 5 năm cấm cư trú. Từ đó đến năm 1941, ông bị giam tại các nhà giam Sài Gòn, Nghệ An với nhiều bản án từ cấm lưu trú, bị quản thúc, tước quyền công dân và chính trị đến án tử hình vì tội “có trách nhiệm tinh thần” về cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.

Ngày 28-8-1941, Hà Huy Tập bị giặc Pháp xử bắn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng ta như: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu,... tại ngã tư Giếng Nước ở Hóc Môn (Gia Định). Bức thư cuối cùng gửi về gia đình, ông viết: “Gia đình, bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”.

Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên, là một trong những chiến sĩ cộng sản tiền bối tiêu biểu, bất khuất, kiên trung của Đảng. Cuộc đời của ông khép lại ở tuổi 35 còn tràn đầy nhiệt huyết và hoài bão. Tuy thời gian hoạt động ngắn nhưng ông cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ông phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi cho lý tưởng cách mạng, cho độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Ông đã đi xa nhưng quan điểm của ông về công tác xây dựng Đảng vẫn còn mang hơi thở thời đại, để lại bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, xây dựng và bảo vệ đất nước; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Long An - Đỗ Thanh Bình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập chia sẻ: Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập để lại cho Đảng và nhân dân ta tấm gương sáng cùng những bài học quý báu cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng. Ông là 1 trong 4 người đầu tiên viết lịch sử Đảng ta, người góp phần phục hồi nhanh chóng cơ quan Xứ ủy và Trung ương Đảng sau thời kỳ Pháp đẩy mạnh khủng bố 1931-1932; mở ra cao trào mới trong thời kỳ Đảng lãnh đạo cuộc vận động dân chủ năm 1936-1939. Với cương vị Tổng Bí thư, ông rất tích cực lãnh đạo đồng bào đấu tranh chống chế độ thực dân, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Với Chợ Lớn - Tân An (nay là Long An), ông có nhiều gắn bó với cơ sở ở Đức Hòa, Trung Quận, có quan hệ mật thiết với các nhà yêu nước: Nguyễn An Ninh, Võ Công Tồn và các đồng chí cộng sản: Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Trấn,... Ông ham học hỏi, giàu lòng hiếu thảo, yêu quê hương, đất nước; lá thư cuối cùng ông gửi lại gia đình, người thân - chính là niềm tin cộng sản. Di sản của ông do vậy trường tồn cùng giai cấp, dân tộc. Tinh thần cách mạng của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập là bất tử. Tên tuổi và sự nghiệp của ông sống mãi trong lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư, thế hệ trẻ hôm nay càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, về các nhà cách mạng tiền bối. Sự nghiệp cách mạng mà chúng ta đang ra sức xây dựng có sự đóng góp bằng trí tuệ và máu xương của bao lớp người đi trước, trong đó có công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập - người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Do vậy, thế hệ trẻ hôm nay cần phải ra sức thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

Ngọc Mận (thực hiện)

(Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Chia sẻ bài viết