Tiếng Việt | English

14/02/2016 - 10:45

Hướng nghiệp cho thanh niên: Những thử thách mới

Bên thềm năm mới, hãy nghe những bạn trẻ thế hệ 8X bàn về chủ đề hướng nghiệp. Họ là những người trẻ của quê hương Long An, đang làm việc ở những vị trí khác nhau - từ giảng dạy, nghiên cứu đến kinh doanh hay làm việc tại các công ty tại TP.HCM. Cùng rời ghế nhà trường THPT vào năm 2004 - thời điểm bắt đầu bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet, các bạn trẻ này khi đó đã có những lựa chọn khác nhau. Sau 12 năm học tập và làm việc, các bạn đều đang tiến những bước khá vững vàng trên con đường nghề nghiệp. Hãy cùng lắng nghe họ nhé!

Hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên là vấn đề luôn được xã hội quan tâm, nhất là trong điều kiện thị trường lao động-việc làm có sự cạnh tranh và biến động khá mạnh, do vậy, cơ hội để các bạn trẻ tìm được một công việc yêu thích và đúng chuyên ngành là điều không dễ dàng. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố ngày 24-12-2015, cả nước có 225.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm tới 20% số lao động thất nghiệp. Đi liền với tỷ lệ thất nghiệp cao là tình trạng có sự chênh lệch rất lớn ở một số nhóm ngành nghề. Thực trạng này dẫn đến sự hoang mang không những cho sinh viên sắp ra trường mà còn ảnh hưởng đến cả những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường THPT, bởi, chọn đúng ngành, vào đúng trường chưa chắc có việc làm phù hợp trong tương lai, công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông lại thêm rối rắm. Trước thực trạng đó, câu hỏi được đặt ra “phải xác định hướng nghiệp như thế nào mới là phù hợp?”.

Định nghĩa hướng nghiệp trong bối cảnh mới

Từ trước đến nay, chúng ta đều ngầm hiểu, ngành học ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp sẽ quyết định nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, thực tế này giờ đây đã thay đổi do ngành nghề ngày thêm phong phú, khoa học-kỹ thuật có nhiều bước đột phá, yêu cầu đối với công việc mang tính đa dạng và chuyên môn hóa cao hơn. Thuật ngữ “hướng nghiệp” được hiểu rộng hơn, đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố và giai đoạn, trong đó, lựa chọn nghề nghiệp (ngành học, bậc học) chỉ mới là giai đoạn đầu trong tiến trình hướng nghiệp của mỗi cá nhân. Suốt quá trình học tập sau đó, từ năm học đầu tiên, các bạn sinh viên cần tự trang bị cho mình những kỹ năng và tâm lý để có thể hòa nhập vào môi trường học tập “mở”, đồng thời, xác định được đúng chuyên ngành. Những năm cuối, là thời gian trau dồi những kỹ năng để tìm việc, hòa nhập vào môi trường làm việc, xác định được “con đường nghề nghiệp” và những mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, cụ thể.

Lựa chọn nghề nghiệp

Phần lớn các lời khuyên chọn nghề nghiệp đều cho rằng: “Hãy theo đuổi đam mê”. Nhưng đam mê không phải là thứ có thể phát hiện được ngay lập tức, thay vào đó, bạn hãy bắt đầu bằng cách tìm một sở thích, dù nhỏ, và bắt đầu nuôi dưỡng nó. Thực tế của bước “lựa chọn nghề nghiệp” chính là sự cân nhắc và đưa ra quyết định giữa 3 yếu tố: Sở thích - khả năng - nhu cầu thị trường. Khi xác định được sở thích, hãy tiếp tục suy xét đến khả năng theo đuổi của bản thân cùng với nhu cầu thực sự của thị trường. Đừng để tâm lý “đậu-rớt” hoặc nhất định phải là đại học chi phối bạn. Thực tế, thị trường việc làm hiện nay vẫn nằm trong tình trạng “thừa thầy-thiếu thợ”, vì thế, việc đậu đại học chưa bao giờ là sự bảo đảm 100% là bạn sẽ được làm đúng công việc yêu thích khi ra trường. Thay vào đó, lựa chọn những việc vừa sức với bản thân sẽ giúp bạn có một môi trường thuận lợi để trau dồi và phát huy những khả năng tiềm ẩn của bản thân.

Đón nhận thử thách và điều chỉnh

Lựa chọn chuyên ngành gần như là lần “lựa chọn nghề nghiệp thứ 2”, làm thế nào để có thể tiếp tục định hướng con đường nghề nghiệp của mình một cách hiệu quả? Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Nathan Gebhard(*) chia sẻ: “Những gì mà tôi ước mình được biết khi học đại học, đó là sự thật rằng, công việc của mọi người được dịch chuyển theo những cách không đoán trước được. Một ngành học chỉ là một điểm mà bạn bắt đầu, và trong suốt quá trình, bạn sẽ vẫn va vấp và phải chấp nhận điều chỉnh”. Sự thật là hầu hết mọi người đều không chắc chắn 100% khi họ bắt đầu chọn ngành học. Và đôi khi nghề nghiệp chính thức của một người không phải là kết quả trực tiếp của những chuyên ngành họ được đào tạo, mà là kết quả của một quá trình rất vòng vèo. Cũng đừng nhầm lẫn giữa chọn nghề và chọn chuyên ngành. Bất cứ chuyên ngành nào cũng có thể đưa bạn đến với một vài những vị trí nghề nghiệp cụ thể khác nhau.

Xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và có kế hoạch hành động cụ thể

Đa phần sinh viên mới ra trường thường lúng túng khi tìm kiếm việc làm đúng chuyên môn. Vấn đề chủ yếu nằm ở việc, các bạn chưa xác định được con đường nghề nghiệp cùng những mục tiêu rõ ràng. Tâm lý cần việc để có thu nhập trang trải cuộc sống dễ dàng đưa các bạn đến quyết định chấp nhận những công việc không phù hợp, thậm chí không liên quan đến sở trường, khả năng của bản thân. Một công việc để trang trải các khoản chi tiêu không phải là một điều xấu, tuy nhiên, bạn phải luôn biết rõ mục tiêu của bản thân nằm ở đâu và có kế hoạch từng bước một để chinh phục nó. Với người tuyển dụng nhân sự, việc xác định được mục tiêu và kế hoạch của ứng viên cũng là một tiêu chí vô cùng quan trọng bên cạnh năng lực và tố chất./.

Trần Thị Thúy An-Giảng viên Khoa Kế toán - Trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM

Trong bất cứ ngành nghề nào, nếu có sự nỗ lực tìm kiếm thông tin, trau dồi, học hỏi, rèn luyện các kỹ năng hỗ trợ thì bạn sẽ tìm được công việc ưng ý, cũng đừng vội tính toán thiệt hơn sớm quá mà bỏ mất những cơ hội lớn tiềm ẩn phía sau. Bên cạnh đó, tôi luôn khuyên các bạn sinh viên nên rèn luyện tính chủ động trong học tập, đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện. Ngày nay, Internet ngập tràn thông tin, đó là một thuận lợi rất lớn, nếu biết cách cập nhật, bạn sẽ giảm thiểu được sự thiệt thòi giữa sinh viên tỉnh lẻ và các thành phố lớn, giữa sinh viên học tập trong nước với sinh viên học tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, các bạn nên có sự chọn lọc những thông tin tốt, phù hợp, tránh bị “bội thực” thông tin.

Phùng Đình Huy-Sáng lập và điều hành “Weddings by Phùng Đình Huy” - Công ty Tổ chức tiệc cưới cao cấp tại TP.HCM

Dù bạn lựa chọn chính xác nghề nghiệp từ ban đầu nhưng nếu không liên tục trau dồi bản thân thì cũng khó đạt mục tiêu nghề nghiệp mà mình xác định. Ngoài những kiến thức chuyên môn theo từng ngành học, các bạn cũng cần rèn luyện nhiều khả năng tự học, tự nghiên cứu. Việc học cũng không chỉ gói gọn trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường mà còn là cả một quá trình sau đó, khi bạn học hỏi từ chính những cơ hội công việc nhỏ nhất mà mình có được, học hỏi từ đồng nghiệp, từ sếp, từ những người đi trước và từ cả đối thủ. Từng thành công hay thất bại đều là những bài học quý giá giúp bạn cứng cáp và vững bước trên đường đi đến gần hơn với mục tiêu nghề nghiệp.

Trần Thị Thùy Dương-Quản lý khách hàng (Account manager) - Công ty Quảng cáo & Tổ chức sự kiện 2res

Vào được trường học mình yêu thích là Đại học Ngoại thương, sau khi ra trường, tôi lại may mắn tìm được công việc đúng chuyên ngành (chuyên ngành xuất nhập khẩu và làm việc cho hãng tàu Maersk Line của Đan Mạch). Tuy nhiên, trái tim tôi luôn bảo rằng, đó chưa phải là công việc hoàn hảo. Vì vậy, sau hơn 4 năm làm việc cho tập đoàn đa quốc gia của Đan Mạch ấy, tôi quyết định chuyển việc và theo đuổi tiếng gọi của trái tim mình. Công việc mới của tôi ở một công ty quảng cáo và sự kiện hoàn toàn mới mẻ, nhưng không xa lạ. Bởi trong những năm tháng đi học, đi làm, niềm đam mê về lĩnh vực này luôn đeo bám tâm trí tôi. Tính đến nay, thêm 3,5 năm làm việc “trái ngành, trái nghề” nhưng “trúng tim” khiến tôi nhìn ra sự “hoàn hảo” chính là nơi trái tim mình thuộc về và hướng tới. Qua câu chuyện của mình, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng: Không dễ tìm ra công việc hoàn hảo, hãy dũng cảm lắng nghe, mạnh dạn thay đổi và vững vàng trên những ngã rẽ đôi khi không giống với lựa chọn của số đông còn lại.

Huỳnh Hữu Lợi-Kỹ sư Điện-Điện tử - Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới - Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM

Ở giảng đường đại học, đôi khi bạn phải “đối đầu” với các môn học khó, với phương pháp giảng dạy quá khác biệt so với bậc phổ thông, thậm chí là không rõ các môn học này để ứng dụng cho công việc cụ thể gì, từ đó dẫn đến cảm giác bất an về nghề nghiệp tương lai của mình. Kinh nghiệm của tôi là hãy dùng sở thích và đam mê làm động lực để vượt qua các thử thách này, vì chắc chắn, tất cả các môn học ở giảng đường đại học, đặc biệt là các môn chuyên ngành sẽ giúp ích cho bạn trong nghề nghiệp tương lai.

(*)Chuyên gia Tư vấn nghề nghiệp - Nathan Gebhard là người Mỹ, rất nổi tiếng với loạt sách và chương trình truyền hình Tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thanh, thiếu niên Mỹ.

Kiến Tường

Chia sẻ bài viết