Tiếng Việt | English

23/02/2016 - 16:27

Khi quà tặng cho trẻ là tri thức

Không là những chuyến từ thiện với quà cáp, bánh kẹo; quà tặng của nhóm phần lớn chỉ có sách cùng những câu chuyện xung quanh sách. Đối tượng duy nhất nhóm hướng đến là trẻ em bởi “sách sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ”.

 

Một buổi hoạt động và sinh hoạt chuyên đề do nhóm “Sách và trẻ thơ” thực hiện tại lớp học ở Q.Tân Phú (TP.HCM) - Ảnh: Thu Huyền

Những ngọn lửa tình yêu dành cho sách vừa được nhóm lên trong tâm hồn tuổi thơ và tình yêu ấy vẫn đang được tiếp lửa mỗi ngày.

Tình yêu với sách

Xuất thân từ đầu của nhóm “Sách và trẻ thơ” là một nhóm từ thiện sẵn có của một số bạn trẻ tự hợp lại cùng nhau tại Biên Hòa (Đồng Nai). Phần lớn thành viên trong nhóm là phụ nữ trẻ đã có gia đình và yêu trẻ con. Nên mỗi chuyến đi từ thiện, các bạn sẽ tìm đến một mái ấm, cơ sở xã hội nào đó vui chơi, tặng quà rồi về.

Khi chị Nguyễn Thị Thu Huyền - giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện làm nghiên cứu sinh tại Anh - tham gia nhóm, chị cho rằng cần có cách tiếp cận mới. Theo chị Huyền, nếu chỉ đơn thuần là những phần quà đem đến trao tặng cho một nơi nào đó rồi về sẽ không khác gì cách làm của rất đông nhóm từ thiện, có đó rồi quên đó. Vậy là nhóm “Sách và trẻ thơ” ra đời sau nhiều bàn thảo và Thu Huyền nhận vai trò trưởng nhóm.

Quà tặng của nhóm rất rõ ràng: phải là sách! Mà phải là sách mới hoặc nếu là sách đọc rồi cũng phải còn rất mới khi được đem tặng. “Tôi quý sách nên muốn được chia sẻ những quyển sách cho trẻ con, cũng là bắt đầu tập cho trẻ thói quen đọc ngay từ nhỏ. Mà cảm giác được cầm trên tay, mở từng trang của quyển sách mới nó thú vị lắm nên tôi muốn tặng sách mới cho các em là vậy” - cô giáo Thu Huyền lý giải.

Ý tưởng đó ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong nhóm. Đến nay, nếu tính số tình nguyện viên tham gia các hoạt động của nhóm ở nhiều nơi không định kỳ đã lên đến cả trăm bạn, còn tình nguyện viên gắn bó thường xuyên cũng ngót nghét năm chục, chủ yếu là sinh viên.

Bạn Lê Minh Huân - thạc sĩ tâm lý, một trong những tình nguyện viên tích cực của nhóm - kể ban đầu chỉ là phụ cô Huyền chia sẻ một vài chuyên đề cho các em nhưng cứ đi riết nên ghiền luôn và hầu như hoạt động nào cũng có mặt.

Trao cho nhau tri thức

Nhưng không chỉ tặng sách là xong. Mỗi nơi nhận quà của nhóm sẽ phải cam kết cùng nhóm duy trì hoạt động sau đó. Mỗi tháng, nhóm sẽ đến sinh hoạt định kỳ tại nơi đã trao quà.

Ở đó, các tình nguyện viên không chỉ cho các em chơi mà còn khám phá thế giới tri thức từ những cuốn sách mang lại. Có khi là cùng thực hiện thí nghiệm vui từ hướng dẫn trong sách khoa học, có khi là vở kịch do các tình nguyện viên diễn rồi gợi mở để các em cùng xử lý tình huống có thể gặp phải trong cuộc sống.

Hiện có ba nhóm trẻ được nhóm tạm gọi là “nhóm ruột” để tổ chức các hoạt động. Đó là lớp tình thương Sơn Ca tại Biên Hòa (Đồng Nai) với hơn 50 trẻ, lớp tình thương tại Q.Tân Phú (TP.HCM) với hơn 150 trẻ và mái ấm Vinh Sơn 4 (Kon Tum) cũng có hơn 150 trẻ đều là người dân tộc thiểu số. Mỗi nơi đều có một tủ sách trên 400 đầu sách thiếu nhi, giáo dục, khoa học, kỹ năng sống... các loại.

Định kỳ mỗi tháng nhóm sẽ chuẩn bị cùng một chuyên đề và chia sẻ tại ba nơi này. Là nói vậy chứ phần lớn trẻ đều là con em lao động nghèo, có bạn mồ côi cha mẹ, có bạn sống lang thang ngoài đường và đều đi học muộn, thậm chí thất học nên để chơi được với bọn nhỏ cũng là một kỳ công.

“Thường trong các chuyên đề tụi mình đặt những câu hỏi ngắn và rất mở, gợi ý để các em chia sẻ, chứ nếu chỉ là câu hỏi đóng chắc chắn tụi mình chỉ nhận được câu trả lời là có hoặc không” - Lê Minh Huân kể.

Mỗi buổi hoạt động gắn với các chuyên đề và những kỹ năng cần thiết mà các tình nguyện viên chia sẻ với các bạn nhỏ. Phó trưởng nhóm Minh Tâm cho biết: “Giúp trẻ thích đọc sách là một phần, quan trọng hơn nhóm muốn giúp trẻ kỹ năng tự tin, tự lập và tự chủ trong cuộc sống”.

Như lớp học ở Q.Tân Phú hiện tạm chia hai nhóm: nhóm dưới 14 tuổi thích đọc sách sẽ mở rộng kiến thức từ sách, nhóm trên 14 tuổi quan tâm việc đi làm sẽ được trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân để tránh bị xâm hại thân thể, định hướng công việc.

Tết vừa qua, nhóm đã tổ chức cho các em nhỏ lớp tình thương tại Biên Hòa gói, nấu bánh chưng và các em được nhận lại chiếc bánh thành phẩm sau khi nấu chín.

“Tôi sẽ ngồi lại với nhóm tình nguyện viên mái ấm tại Kon Tum để sơ đồ hóa về sở thích, khả năng của từng em, từ đó giúp định hướng nghề nghiệp vì nhận thức của các em người dân tộc thiểu số còn hạn chế nhiều so với bạn bè đồng lứa” - Thu Huyền nói.

Kinh phí duy trì các hoạt động của nhóm là sự ủng hộ của các mạnh thường quân và phần lớn thu từ lợi nhuận bán sách. Những đầu sách về thiếu nhi, giáo dục, dạy con, kỹ năng sống... được nhóm mua trực tiếp từ các nhà xuất bản, giới thiệu nội dung, bán trên mạng và phần chiết khấu thu được sẽ đưa vào quỹ hoạt động.

"Tình nguyện viên tham gia miễn phí, báo cáo viên chuyên đề bị ép nhận thù lao tượng trưng để nhóm đỡ áy náy vì nhờ các anh chị nhiều quá. Kinh phí dùng mua sách bổ sung, dụng cụ học tập hỗ trợ các nơi nhóm bảo trợ “ - Thu Huyền cho biết.

Tăng khả năng ngôn ngữ

Ở đây tất cả các em đều là người dân tộc thiểu số, không có bất cứ phương tiện giải trí nào, tivi cũng chưa có nên việc có một tủ sách trong mái ấm thế này rất hữu ích. Các em vào đọc suốt, xem đó là một hoạt động vừa thú vị, vừa bổ ích vì có thêm kiến thức, thông tin sau mỗi giờ học.

Các bạn tình nguyện viên trong nhóm “Sách và trẻ thơ” đã lên đây hai lần rồi. Mỗi lần đến đây, các bạn ở hai ngày để cùng vui chơi, chia sẻ kỹ năng sống, giáo dục giới tính và nhiều trò chơi vận động rèn luyện kỹ năng rất hữu ích cho các em.

Nhờ có sách mà các bé ở đây có cơ hội đọc, hiểu, rồi kể chuyện bằng tiếng Việt nhiều hơn và từ đó tăng khả năng nói, phát triển khả năng sử dụng tiếng Việt tốt hơn vì trong giao tiếp hằng ngày các em đều sử dụng tiếng của dân tộc mình.

Anh Phạm Thanh Trung 
(phụ trách mái ấm Vinh Sơn 4, tỉnh Kon ếp hằng ngày các em đều sử dụng tiếng của dân tộc mình.

Anh Phạm Thanh Trung 
(phụ trách mái ấm Vinh Sơn 4, tỉnh Kon Tum)

Quốc Linh/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết