Tiếng Việt | English

10/02/2021 - 06:50

Phát huy truyền thống, tận dụng tiềm năng, lợi thế, năng động, sáng tạo, quyết tâm đưa Long An trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian qua, với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế với cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả, tỉnh Long An đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên hầu hết các mặt KT-XH; xây dựng được vị thế ngày càng vững chắc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Không tự mãn, bằng lòng với kết quả đã đạt, thời gian tới, Long An cần phát huy truyền thống “trung dũng kiên cường…”, kế thừa thành tựu đổi mới, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế với tầm nhìn chiến lược; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An nỗ lực, phấn đấu, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đưa tỉnh Long An thành hình mẫu trong phát triển KT-XH Vùng ĐBSCL, có vị thế ngày càng cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đến thăm Nhà máy BCG CME Long An 1. Ảnh: Phong Nhã

Khai thác thế mạnh

Tỉnh Long An thuộc Vùng ĐBSCL; đồng thời, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược quan trọng, dân số đứng thứ 16/63, diện tích đứng thứ 34/63 và quy mô kinh tế đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với khu vực ĐBSCL, tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước; đồng thời là cửa ngõ giao thương ra quốc tế với lợi thế có 133km đường biên giới giáp nước bạn Campuchia, có cảng biển quốc tế... Bên cạnh đó, Long An có hệ thống kết nối giao thông đường bộ giữa TP.HCM với Vùng ĐBSCL và Campuchia; có tiềm năng lớn về vận tải đường biển, đường thủy nội địa. Những lợi thế này tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; bảo quản, trung chuyển hàng hóa của Vùng ĐBSCL, trung tâm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cho khu vực Đông Nam bộ; có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế đối ngoại, xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch,...

Long An là tỉnh có điều kiện tự nhiên, sinh thái đa dạng, phong phú. Long An chiếm gần 50% diện tích vùng Đồng Tháp Mười, được xem là thị trường hàng hóa nông sản lớn nhất của khu vực ĐBSCL, có điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều mô hình nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển du lịch sinh thái. Mặt khác, Long An được hưởng nguồn nước ngọt của hai hệ thống sông Cửu Long và Sài Gòn - Đồng Nai rất thuận lợi cho phát triển ngành thủy sản, cung cấp phù sa, nước ngọt, phục vụ tưới, tiêu cho nông nghiệp; cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông với Cảng Quốc tế Long An. Với những thế mạnh sẵn có về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển KT-XH.

Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình đất nước, khu vực, thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Long An là một trong những địa phương phải chịu tác động trực tiếp, thường xuyên, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Long An đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH. Long An đã khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế; lựa chọn đúng những khâu đột phá và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối các trục giao thông liên vùng, mở rộng các khu, cụm công nghiệp và cảng biển; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân kinh doanh và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Các nỗ lực và lợi thế nói trên tạo nền tảng để Long An gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao; bình quân giai đoạn 2016-2020 của Long An ước đạt khoảng 9,11%/năm (xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng trưởng GRDP); quy mô kinh tế xếp thứ 12/63; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng hướng. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 77 triệu đồng, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015 (xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố về GRDP bình quân đầu người). Kinh tế từng bước được cơ cấu lại, có chuyển biến tích cực, mô hình tăng trưởng được đổi mới; phát triển theo chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng cao. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt gần 25,3 tỉ USD, tăng trưởng khoảng 12%/năm. Thu ngân sách hàng năm tăng 12,8%, năm 2020 tổng thu ngân sách trên 18.000 tỉ đồng, đạt 1,78 lần so với năm 2015, dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn ở nhóm “Tốt” đến “Rất tốt”, đặc biệt, năm 2018 đứng thứ 3 cả nước; chỉ số cải cách hành chính năm 2019 đứng thứ 5 cả nước.

Năm 2020, trong điều kiện phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền cùng với sự năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Long An vẫn giữ được mức tăng trưởng cao, đạt 5,91%. Bên cạnh những kết quả tích cực về kinh tế, Long An cũng đạt được nhiều tiến bộ về xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Đảng. An sinh, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được bảo đảm. Công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai tích cực. Hộ nghèo giảm còn 1,16%. Đến nay, tỉnh cơ bản đã giải quyết được vấn đề nhà ở cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên; hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp có nhiều đổi mới, phát huy được sức mạnh tổng hợp để thực hiện hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt, có thể nhận thấy Long An phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tình hình buôn bán, vận chuyển hàng lậu ở khu vực biên giới có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp; hoạt động của hệ thống chính trị còn một số mặt chưa thật sự hiệu lực, hiệu quả,...

Nỗ lực vượt qua thách thức

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, liên kết phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại; cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng phức tạp. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể kéo dài do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức cho chúng ta. Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực của ta đã lớn mạnh hơn nhiều; kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên; tình hình chính trị - xã hội ổn định; vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu hiện hữu; nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh,... Tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, khó lường.

Từ đó, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới phức tạp hơn, thách thức lớn hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và của đảng bộ, nhân dân Long An nói riêng. Nghị quyết Đại hội (NQĐH) đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên - môi trường; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường các hoạt động đối ngoại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo bước đột phá để tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL và đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Đây là những quyết nghị vừa mang tính căn cơ, vừa mang tính dài hạn, có tính chất chủ trương và mục tiêu cụ thể. Trong bối cảnh hiện nay, cần có tư duy đột phá, cách tiếp cận mới, đồng bộ; cần có quyết tâm chính trị cao; cần có sự chung sức, đồng lòng, đồng tâm hiệp lực của chính quyền, người dân và doanh nghiệp; cần có kế hoạch thực thi cụ thể, hành động quyết liệt, có như thế mới hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu NQ đã đề ra.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình trao quyết định công nhận TP.Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019

Tập trung thực hiện các giải pháp

Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Long An cần phải có sự nỗ lực, phấn đấu cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển mà NQĐH XIII của Đảng và NQĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025. Long An cần tập trung thực hiện một số giải pháp, biện pháp chính sau:

Thứ nhất, triển khai, thực hiện tốt các NQĐH XIII của Đảng và NQĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI. Long An cần khẳng định hình ảnh, vị trí, vị thế và vai trò của mình trong Vùng ĐBSCL, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và sự đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. NQĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu cụ thể “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL và đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Đây là mục tiêu mang tính dài hạn, tuy nhiên, nếu không có sự thống nhất trong ý chí, quyết tâm trong hành động, không có kế hoạch, hoạt động cụ thể thì sẽ không hiện thực hóa được. Vì vậy, cần phải khơi dậy khát vọng “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cảng Quốc tế Long An 

Thứ hai, kế thừa, phát huy tốt nhất truyền thống cách mạng, tư duy tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, tận dụng tối đa được tiềm năng, lợi thế, phát huy sức mạnh tổng thể của toàn tỉnh. Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược mà NQĐH XIII của Đảng và ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đã đề ra. Cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để khơi dậy và phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nội lực và những tiềm năng, lợi thế riêng có, cùng với đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, rô-bốt...), thực hiện tốt chuyển đổi số để đưa Long An phát triển nhanh, bền vững, có bước đột phá trong thời gian tới.

Chúng ta đang sống trong những năm đầu của thế kỷ XXI được đánh dấu bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những tiến bộ khoa học và công nghệ vượt bậc, đang làm thay đổi về chất mọi hoạt động KT-XH mọi quốc gia và thương mại thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo điều kiện cho mọi quốc gia phát triển nền kinh tế tri thức, phát triển không dựa nguồn vốn, lao động phổ thông và nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngược lại còn giúp sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và tiết kiệm, nâng cao chất lượng lao động. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức đúng, đầy đủ về những tiềm năng, lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại và có sự chuẩn bị tốt các nguồn lực để đón nhận, tạo đột phá trong phát triển.

Đại dịch Covid-19 càng cho thấy chuyển đổi số là xu thế của thời đại, xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bởi “cốt lõi” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông - vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng,... Kinh tế số tạo thêm nguồn tài nguyên mới (tài nguyên số, của cải số) cho phát triển, thay đổi cách tiếp xúc trong làm việc, tạo cơ hội cho ai tận dụng tốt cơ hội sẽ vươn lên và vượt lên.

Thứ ba, sớm hoàn thành xây dựng quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để làm cơ sở định hướng phát triển xanh và bền vững. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Có chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, quy hoạch hồ chứa nước ngọt lớn,... Tập trung phát triển công nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực của địa phương. Ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, dịch vụ Cảng Quốc tế Long An, cửa khẩu, kho vận và logistics. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là các thị trường có yêu cầu cao nhằm phát huy tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mới.

Thứ tư, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu.

Thứ năm, xây dựng chính quyền liêm chính, hành động quyết liệt, kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao.

Thứ sáu, với vị trí trọng yếu, Long An phải là một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Các hoạt động đối ngoại cần đa dạng hóa, đi vào chiều sâu thiết thực, hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Campuchia, tăng cường các hoạt động ký kết, kết nghĩa, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển; giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.

Long An với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang. Những đóng góp của tỉnh cho đất nước, sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc là rất to lớn. Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước với niềm tin mãnh liệt và mong muốn tỉnh Long An sẽ không ngừng phát triển; tiếp tục kế thừa, phát huy tư duy tiên phong, đổi mới, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Long An chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng, phát triển KT-XH nhanh và bền vững; đưa tỉnh thành hình mẫu trong phát triển KT-XH Vùng ĐBSCL, nâng cao vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước./.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình

Chia sẻ bài viết