Tiếng Việt | English

24/11/2020 - 15:37

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

Ngày 24/11, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh và Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương; đầu cầu trực tuyến các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ để nâng cao tính dự báo của công tác lập pháp, lập quy

Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn này tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện để phù hợp tình hình mới, nhất là triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Giai đoạn này, Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành: 112 văn bản (71 luật, hai pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), giảm tám văn bản so giai đoạn 2011 - 2015; Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so giai đoạn 2011 - 2015 (721 văn bản), Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định, giảm 129 quyết định so giai đoạn 2011 - 2015 (361 văn bản); các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch, giảm 201 văn bản so giai đoạn 2011 - 2015 (2.733 văn bản); ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản gồm: 16.341 văn bản cấp tỉnh, tăng 2.552 văn bản so giai đoạn 2011 - 2015 (13.789 văn bản); 12.427 văn bản cấp huyện, giảm 18.320 văn bản so giai đoạn 2011 - 2015 (20.747 văn bản); 64.031 văn bản cấp xã, giảm 131.083 văn bản so giai đoạn 2011 - 2015 (195.114 văn bản).

Riêng đối với văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tăng so giai đoạn trước cho thấy trách nhiệm, vai trò của các tư lệnh ngành được đề cao theo sự phân cấp trong quản lý chỉ đạo, điều hành đối với ngành, lĩnh vực. Văn bản của chính quyền địa phương giảm, đặc biệt cấp huyện, cấp xã giảm rõ rệt, các cấp này tập trung vào việc triển khai tổ chức thi hành pháp luật.

Cả nước có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý với 183 chi nhánh và 683 trợ giúp viên pháp lý, trên 7.000 cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Từ năm 2018 đến 2020, cả nước tiếp nhận 120.884 vụ việc trợ giúp pháp lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Tấn Hòa chủ trì hội nghị tại đầu cầu Long An

Hội nghị lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật tại các cơ quan Quốc hội, các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.

Theo đánh giá tại hội nghị, giai đoạn 2016-2020 cho thấy nhận thức của cơ quan nhà nước, cán bộ và Nhân dân về pháp luật đã được nâng lên. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đều chú trọng và quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.

 Ý thức pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân ngày một nâng lên rõ rệt, hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước , tổ chức xã hội và công dân đã hiệu quả hơn. Đặc biệt, hệ thống pháp luật đã phục vụ trực tiếp cho sự phát triển KT-XH bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam cơ bản điều chỉnh trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thay mặt Chính phủ, ông đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.

 Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng Chỉ thị về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Đồng thời, các bộ ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ để nâng cao tính dự báo của công tác lập pháp, lập quy.

Bảo đảm tiến độ xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng pháp luật, không để tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật. Đổi mới công tác theo dõi thi hành pháp luật kịp thời phát hiện văn bản pháp luật vi phạm về nội dung và hình thức.

 Đổi mới quy trình, hiện đại hóa khâu xây dựng pháp luật, sử dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến đánh giá và đóng góp của cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật./.

Đỗ Lâm

Chia sẻ bài viết