Tiếng Việt | English

30/05/2017 - 20:06

Chấn chỉnh san lấp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Thời gian gần đây, một số địa phương trên địa bàn tỉnh phát hiện những lỏng lẻo trong quản lý đất đai khi để xảy ra tình trạng san lấp, xây dựng trái phép; trong đó, có những vi phạm xây dựng, chuyển nhượng trái phép trên đất nông nghiệp.

Phát hiện nhiều sai phạm

Theo đánh giá của UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An, 3 năm qua, tình trạng chuyển nhượng, sử dụng đất trái phép, san lấp mặt bằng và xây dựng trái phép có dấu hiệu ngày càng phức tạp. Các ngành của huyện và UBND huyện có nhiều chỉ đạo chấn chỉnh nhưng tình trạng này không giảm mà phát sinh tăng, tập trung nhiều nhất tại các xã giáp ranh TP.HCM.

Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có 71 trường hợp vi phạm về đất đai và xây dựng, trong đó, nhiều trường hợp vi phạm sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích.

Cần tăng cường kiểm tra để phát hiện sớm việc san lấp trái phép trên đất nông nghiệp (ảnh minh họa)

Nguyên nhân vi phạm trong chuyển nhượng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được UBND huyện Bến Lức lý giải là xuất phát từ việc các ngành chức năng trong huyện và các địa phương chưa làm hết trách nhiệm, chưa kiên quyết trong việc tham mưu UBND huyện nhằm xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép.

Ngoài ra, việc người dân xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư trên địa bàn huyện Bến Lức những năm gần đây cũng tăng vọt.

Theo đó, năm 2017, huyện phân bổ chỉ tiêu chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư là 25ha; đến thời điểm hiện tại, toàn huyện mới cho chuyển đổi khoảng 18ha.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Lức - Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Huyện chỉ xem xét giải quyết đối với các trường hợp thực sự cần thiết, chính đáng như ra ở riêng và người dân mất đất do giải phóng mặt bằng của các dự án. Đối với các trường hợp vi phạm san lấp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp không phù hợp với quy hoạch, huyện cũng làm các thủ tục để tiến hành cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu”.

Dãy nhà xây dựng trái phép tại xã Long Thượng

Tại huyện Cần Giuộc, gần đây, có những khu dân cư tập trung được xây dựng tự phát trên đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch, không bảo đảm các điều kiện hạ tầng: Điện, nước, đường giao thông, phòng cháy, chữa cháy,...

Tại xã Long Thượng và Phước Lý, một số khu, cụm dân cư được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không được xử lý, ngăn ngừa ngay từ đầu. Điển hình là khu đất khoảng 2.000m2, nằm phía sau Trường Tiểu học xã Long Thượng, cách Đường tỉnh 835B khoảng 50m và không xa so với UBND xã, được san lấp mặt bằng và làm đường bêtông để phân lô, bán nền nhưng không được phát hiện. Chỉ đến khi một số lô đất được xây dựng, lúc đó, địa phương mới tiến hành các thủ tục để cưỡng chế.

Khi đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tại xã Long Thượng, có 30 điểm phân lô tập trung gồm 732 thửa đất với tổng diện tích hơn 8,4ha.

Riêng năm 2015, theo kế hoạch của xã chỉ chuyển mục đích sử dụng 3ha, nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho phép chuyển đến 5,8ha, trong đó có nhiều vị trí chuyển mục đích sai quy hoạch.

Xử lý nghiêm và tăng cường kiểm tra

Rõ ràng, việc để xảy ra những vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng ở xã Long Thượng còn có sự thiếu quyết liệt của ngành chức năng, thậm chí một số cá nhân có thẩm quyền còn tiếp tay cho sai phạm trên lĩnh vực đất đai, xây dựng hiện nay.

Với nhiều sai phạm nghiêm trọng tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với Bí thư và Chủ tịch UBND xã, đồng thời buộc thôi việc đối với 2 công chức Địa chính - Xây dựng của xã.

Từ việc để xảy ra tình trạng chuyển nhượng đất trái phép và san lấp, xây dựng trái phép, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức cho biết, hiện tại, huyện lập đoàn thanh tra về công tác chấp hành pháp luật trong việc quản lý đất đai trước mắt đối với 5 xã: Trường Bình, Mỹ Lộc, Phước Hậu, Phước Lại và Long Phụng.

Thời gian tới, huyện Cần Giuộc tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng theo hướng: Tất cả tổ chức, cá nhân sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai và xây dựng công trình trái phép đều phải xử lý nghiêm. Sau xử lý, nếu việc sử dụng đất và công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác liên quan thì yêu cầu thực hiện đầy đủ thủ tục để tồn tại. Những trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì kiên quyết xử lý buộc tháo dỡ hoặc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Còn tại huyện Châu Thành, theo thống kê, có 10.688ha đất nông nghiệp, trong đó, đất trồng thanh long chiếm trên 7.000ha, còn lại là đất trồng lúa và nuôi tôm,... Trên địa bàn huyện cũng xảy ra tình trạng sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ít nhất có 11 nhà kho thanh long xây dựng trên đất nông nghiệp (lúa) với hàng chục ngàn mét vuông. Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do áp lực, yêu cầu từ phát triển cây thanh long trên địa bàn huyện nên rất cần xây dựng nhà kho nhằm thu mua, bảo quản, đóng gói trái thanh long để xuất khẩu.

Huyện Châu Thành đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại các nhà kho thanh long

UBND huyện Châu Thành đang thành lập đoàn kiểm tra lại tất cả nhà kho trên địa bàn. Đối với những nhà kho xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, huyện sẽ bàn bạc, kiến nghị để có giải pháp cụ thể.

“Nhằm tăng cường trách nhiệm, ngăn chặn những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, UBND huyện có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm. Nếu vẫn để xảy ra những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai thì người đứng đầu các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm” - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện - Nguyễn Văn Phú cho biết.

Về vấn đề xây dựng, san lấp trái phép, trong tháng 3 và 4/2017, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra 182 trường hợp tại các huyện: Châu Thành, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An.

Qua đó, phát hiện nhiều vi phạm; trong đó, chủ yếu: San lấp đất nông nghiệp xây dựng công trình nhà kho, nhà trưng bày, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở; thực hiện tách thửa và chuyển mục đích sang đất ở tại nông thôn nhưng lại xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh; xây dựng hạ tầng trên đất nông nghiệp với mục đích phân lô bán nền nhưng chưa lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phan Nhân Duy cho biết: Trước những hạn chế, tồn tại và sai phạm trong quản lý sử dụng đất, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, của từng tổ chức và cá nhân cụ thể. Để tăng cường công tác, quản lý sử dụng đất, về phía UBND cấp huyện cần thường xuyên kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn do mình quản lý, trong đó, tập trung vào các địa bàn giáp ranh TP.HCM như các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa; kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, buộc tháo dỡ hoặc khôi phục lại như hiện trạng ban đầu./.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết