Tiếng Việt | English

22/03/2018 - 09:36

Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy: Triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tỉnh ủy ban hành Đề án 02-ĐA/TU, ngày 29/12/2017 về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải về thực hiện đề án này.

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải, giữa năm 2016 (trước khi có Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII), Tỉnh ủy chủ động xây dựng chỉ thị và kế hoạch sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy

PV: Ông có thể khái quát thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị tỉnh hiện nay và sự cần thiết khi xây dựng Đề án 02-ĐA/TU?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Toàn tỉnh hiện có 37 cơ quan chuyên môn sở, ban, ngành cấp tỉnh (Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội), 229 phòng trực thuộc và 78 phòng thuộc chi cục. Cấp huyện có 360 đơn vị trực thuộc. Cấp xã có 192 đơn vị hành chính. Có 813 đơn vị sự nghiệp công lập. Về biên chế, toàn tỉnh được giao 34.450 biên chế, trong đó, công chức 4.083 biên chế, viên chức 30.367 biên chế. Cán bộ, công chức cấp xã 4.454 biên chế. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã 3.941 người. Người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố 9.097 người. Toàn tỉnh có 1.445 tổ chức hội, trong đó, hội có tính chất đặc thù là 134, được giao 377 biên chế.

Nhìn chung, so với yêu cầu phát triển, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh (các cơ quan Đảng, đoàn thể, các sở, ngành khối chính quyền, các tổ chức hội, nhất là cấp xã, ấp, đơn vị sự nghiệp công lập,...) còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, nhiều cấp trung gian. Một số cơ quan, đơn vị có sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động của tổ chức bộ máy các cấp chiếm trên 70% tổng chi ngân sách tỉnh. Thực trạng trên cho thấy, việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị, giảm chi thường xuyên từ ngân sách là việc làm cần thiết trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh hiện nay.

PV: Long An là một trong những tỉnh, thành xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khá sớm, xin ông cho biết những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Tỉnh ủy xây dựng Chỉ thị số 14-CT/TU và Kế hoạch số 19-KH/TU để sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy từ giữa năm 2016 (trước khi có Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII). Vì vậy, khi có nghị quyết, địa phương có sự chủ động, xây dựng, hoàn chỉnh đề án và kế hoạch thực hiện sớm hơn một số địa phương trong khu vực. Hơn nữa, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị nêu rõ từng phần việc mà địa phương phải làm ngay, có việc làm thí điểm để rút kinh nghiệm và có xác định bước đi, lộ trình phù hợp.

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến tư tưởng, việc làm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh nên quá trình thực hiện sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Trước hết, Trung ương chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định, hướng dẫn liên quan để thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đặc biệt là cắt giảm số phòng, ban (tương đương) có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo. Cùng với đó, chính sách bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ đối với cán bộ thôi lãnh đạo, quản lý; chính sách kiêm nhiệm, chính sách giải quyết đầu ra cho cán bộ dôi dư đang có nhiều bất cập, thiếu động lực, nhất là đối với cán bộ cơ sở;...

PV: Đề án 02-ĐA/TU triển khai thực hiện hiệu quả sẽ mang lại những lợi ích gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Mục tiêu cốt lõi của đề án là tập trung sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, giảm đầu mối, cấp phó, bỏ cấp trung gian không cần thiết, tránh sự chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tinh giản biên chế. Đồng thời sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp hoạt động kém hiệu quả theo hướng tự chủ về kinh phí hoạt động và đầu tư, tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị để giảm tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển.

Dự kiến, thực hiện đề án, toàn tỉnh sẽ giảm 3 đầu mối cơ quan cấp sở, ngành tỉnh; 69 phòng, ban thuộc sở, ban, ngành tỉnh; 99 đơn vị sự nghiệp công lập; 52 chức danh trưởng phòng; 59 chức danh phó trưởng phòng; 108 cấp trưởng và 70 cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập; 422 biên chế công chức (đạt 10,34%); 4.775 biên chế viên chức (đạt 15,72%); 2.789 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; 5.045 người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố; 1.286 hội đặc thù. Theo đó, chi ngân sách địa phương cho hoạt động thường xuyên của tổ chức bộ máy tỉnh sẽ giảm khoảng 45 tỉ đồng/năm; chi ngân sách địa phương cho các đơn vị sự nghiệp giảm khoảng 82 tỉ đồng/năm.

PV: Ông cho biết, tỉnh thực hiện những giải pháp gì để Đề án 02-ĐA/TU đạt kết quả như mong muốn?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Để bảo đảm tính khả thi, đề án xác định một số giải pháp cơ bản cần tập trung như bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong triển khai thực hiện; phát huy trách nhiệm người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ để sắp xếp, bố trí lại các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng cho phù hợp; nghiên cứu, vận dụng, ban hành chế độ, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo, dôi dư do sắp xếp tổ chức, kiêm nhiệm,...

PV: Khi nào đề án chính thức được thực hiện và những việc nào sẽ thực hiện ngay, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Phần lớn nhiệm vụ sẽ tập trung thực hiện hoàn thành trong tháng 4/2018 như sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Việc tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung sẽ thực hiện trong quí II-2018. Thí điểm Văn phòng UBMTTQ Việt Nam tỉnh phục vụ chung sẽ được thực hiện trong quí I-2019. Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh sẽ thực hiện trong tháng 1/2019. Đối với thí điểm thực hiện các mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện; nhất thể hóa Trưởng ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra cấp huyện; văn phòng phục vụ chung cấp ủy và HĐND - UBND cấp huyện; Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ cấp huyện sẽ thực hiện từ năm 2018-2020;...

Quan điểm nhất quán của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy là triển khai thực hiện đề án với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, xác định những công việc đã rõ sẽ thực hiện ngay. Tin rằng, sự đoàn kết, đồng thuận, chung sức, chung lòng của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh là nhân tố quyết định sự thành công của việc triển khai Đề án số 02-ĐA/TU trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh nhà.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Anh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết