Tiếng Việt | English

14/09/2017 - 10:05

Khởi nghiệp tại quê nhà

Trong những phong trào do Đoàn Thanh niên (TN) tổ chức và phát động, chương trình giải quyết việc làm cho TN nông thôn luôn được xem trọng. Bởi có việc làm, TN mới có thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH địa phương.


Anh Nguyễn Hoàng Trung với vườn gấc xum xuê trái

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, chàng trai trẻ Trần Đăng Khoa, ngụ ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, cùng người em trai phụ giúp công việc gia đình. Nhiều năm liền chứng kiến gia đình loay hoay với điệp khúc “được mùa - rớt giá” từ trồng lúa, anh luôn suy tư, trăn trở. Sau đó, anh bàn với cha mình tìm một loại cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười để phát triển kinh tế gia đình.

Nói là làm, hai cha con anh khăn gói ra tận tỉnh Bình Thuận, sau đó về huyện Châu Thành (Long An) và sang Tiền Giang để tìm hiểu về kỹ thuật trồng thanh long. Thanh long vốn là loại cây trồng quen thuộc với người dân Long An nhưng việc trồng trên vùng đất Tân Thạnh lại khá mới mẻ. Lúc đầu, gia đình anh trồng thử nghiệm một ít gốc thanh long ruột đỏ. Sau thời gian tìm tòi, học tập kinh nghiệm, cải tạo đất, anh bắt đầu trồng 1,7ha thanh long trong gần 10ha đất của gia đình.

Anh chia sẻ: “Ban đầu, cha con tôi cũng hồi hộp, lo lắng lắm, không biết thanh long ruột đỏ có thật sự phù hợp với vùng đất này hay không. Hai cha con cùng động viên nhau chăm sóc thanh long và chờ kết quả. Gia đình tôi bỏ nhiều chi phí cùng với vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Tân Thạnh để đầu tư trồng thanh long. Đợt thu hoạch đầu tiên, thanh long đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Thương lái tìm đến tận gia đình thu mua nhưng để có thêm nguồn thu, chúng tôi thuê xe chở đến nơi thu mua ở huyện Châu Thành. Thời điểm đó, giá thanh long ruột đỏ khoảng 25.000 đồng/kg. Tôi thấy rằng, lợi nhuận từ thanh long mang lại cao gấp mấy lần so với trồng lúa”.

Hiện nay, ngoài trồng lúa, thanh long, gia đình anh Khoa còn trồng dừa (bán trái và cả dừa giống), nuôi 17 con bò thịt và bò sinh sản; vì vậy, anh suốt ngày bận rộn ở ngoài đồng. Chính tính tháo vát, ham học hỏi và chịu khó nên chỉ mới 27 tuổi nhưng trông anh chững chạc hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Hiện tại, gia đình anh có một cơ ngơi vững chắc, chuyện thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm ở vùng quê này không khó đối với gia đình anh.

Bí thư Đoàn xã Tân Lập - Phan Hồ Đầy cho biết, anh Khoa là đảng viên trẻ. Bên cạnh mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình anh còn tạo việc làm thêm cho 5-7 lao động nông thôn. Ở vùng sông nước này, thời gian qua, Đoàn xã cũng có một số mô hình giúp TN có việc làm, nhưng thật sự, vấn đề này hiện vẫn còn gặp khó. Bởi có một vài mô hình phù hợp, mang lại hiệu quả, còn lại đa phần TN vẫn phải đi làm mướn hoặc làm ruộng tại gia đình mình.


Anh Trần Đăng Khoa chăm sóc thanh long

Cùng chung chí hướng với anh Khoa còn có anh Đào Quốc Huy, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa. Trong khi nhiều TN địa phương đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp, anh Huy vẫn bám quê, bám đất làm giàu. Lựa chọn có vẻ “ngược đời” khi tốt nghiệp loại giỏi lớp trung cấp điện nhưng anh không theo đuổi ước mơ mà quanh quẩn ruộng vườn chỉ vì hoàn cảnh gia đình.

Không thể kể hết những khó nhọc anh vấp phải khi làm ruộng cứ bị thua lỗ. Với quyết tâm vượt khó, ngoài trồng lúa, anh trồng thêm mãng cầu và chanh không hạt. Mọi chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng khi bắt tay thực hiện, anh gặp không ít trở ngại. Những năm đầu, mãng cầu có cho trái nhưng không đạt hiệu quả, anh phải đi bán lẻ ở chợ gần nhà. Dần dần, anh cũng chinh phục được loại trái này trên chính mảnh đất của mình. Hiện, thương lái các tỉnh lân cận: Tây Ninh, Tiền Giang tìm đến tận vườn nhà anh để thu mua.

Hiện nay, với 19ha đất trồng lúa, mãng cầu, chanh không hạt, anh Huy có một sự nghiệp mà ai cũng ngưỡng mộ. Mọi người thường gọi anh là “Tỉ phú nông dân trẻ” khi thu nhập mỗi năm khoảng 1 tỉ đồng. Anh cũng đoạt giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn dành tặng cho TN nông thôn.

Làm giàu trên đất phèn

Năm 2014, sau 3 năm vừa đi nghĩa vụ quân sự, vừa theo học sĩ quan dự bị, anh Nguyễn Hoàng Trung trở về quê hương tại ấp 5, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa. Đúng lúc đó, hơn 10ha đất của Tổ hợp tác Trồng gấc tại địa phương có ba mẹ anh tham gia phải phá sản. Mọi người quay trở lại trồng khóm, khoai mỡ sau khi trồng thử nghiệm gấc nhưng không đạt hiệu quả. Cũng như nhiều nông dân khác, lúc đó, gia đình anh thua lỗ hàng chục triệu đồng. Không nỡ nhìn ba mẹ buồn lòng, anh lên mạng tìm hiểu về loại giống cây này và quyết định đến Tây Ninh học tập kinh nghiệm. Sau những ngày vất vả tìm kiếm, cuối cùng anh may mắn được nông dân tại đây tận tình chỉ dẫn và giới thiệu luôn mối tiêu thụ khi gấc cho trái.

Trở về, anh vay vốn và cải tạo lại chính mảnh đất ba mẹ mình trồng gấc trước đây. Mùa đầu, chỉ có 30% số gấc cho trái trên diện tích 1ha. Quyết không từ bỏ, anh học thêm cách ghép cây, loại bỏ những cây cho hoa nhưng không cho trái. Sau đó, anh chọn những quả gấc to tròn, chất lượng tốt để ươm giống. Nhờ cần cù, chịu khó, hiện giờ, nhìn vườn gấc của gia đình anh thật “mát” mắt khi trái xum xuê, đỏ rực.


Vườn gấc xum xuê trái của anh Nguyễn Hoàng Trung

Anh nói: “Bây giờ, tôi thấy gấc là loại cây trồng “dễ tính”, không tốn nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, để gấc cho trái có chất lượng, mình nên theo dõi, hỗ trợ thụ phấn tăng năng suất và kịp thời phát hiện sâu, bệnh. Mỗi gốc gấc có thể cho trái từ 10-12 năm và cho trái liên tục. Lúc đầu, do vốn đầu tư không nhiều nên tôi trồng bằng trụ gỗ cho gấc bám vào, sau này chuyển sang trụ bêtông. Thông thường, những đợt về sau, gấc cho trái nhiều hơn. Bình quân mỗi trái nặng từ 1,5-2kg, có trái nặng đến 3kg. Gấc có giá dao động từ 13.000-15.000 đồng/kg. Đợt đầu tiên thu hoạch, tôi thu từ 7-8 tấn/năm; năm nay ước tính đạt 13 tấn”.

Trong vườn anh trồng có tất cả 15 loại gấc. Mỗi loại, anh ươm thử nghiệm để chọn ra loại vượt trội nhất. Với lợi nhuận từ cây trồng này mang lại, mỗi năm, anh thu lãi gần 100 triệu đồng. Gấc được sử dụng nhiều trong chế biến thức ăn, bào chế dược, lĩnh vực làm đẹp, cũng có thể ăn tươi, là loại nước uống bổ dưỡng. Đây là mô hình mới ở Tân Tây. Anh Trung dự định tiếp tục mở rộng 2.000m2 đất nữa và sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm cho những TN muốn tham quan, học tập từ mô hình này.

Theo Tỉnh đoàn Long An, phong trào ‘‘Đồng hành với TN lập thân, lập nghiệp’’ nhằm tạo việc làm cho TN nông thôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Đoàn và phong trào TN. Hiện nay, nguồn vốn Tỉnh đoàn đang quản lý từ Ngân hàng Chính sách Xã hội xét cho TN vay qua các chương trình lên đến 275 tỉ đồng. Bên cạnh đó, vốn từ Trung ương Đoàn xét cho TN vay giải quyết việc làm khoảng 883 triệu đồng. Nhờ những nguồn vốn này, hàng năm, các cơ sở Đoàn giúp nhiều TN nông thôn nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu về vốn vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Ngoài những hoạt động trên, Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm cho TN. Tỉnh đoàn khuyến khích, phát huy các đơn vị duy trì và xây dựng một số mô hình phù hợp, hiệu quả nhằm tạo việc làm cho TN nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề này hiện còn gặp khó do một số nghề đào tạo cho lao động nông thôn chưa thật sự phù hợp nhu cầu thực tế, nguồn vốn hỗ trợ TN còn ít, chưa đáp ứng mong mỏi của TN,...

Hiện nay, nguồn vốn Tỉnh đoàn đang quản lý từ Ngân hàng Chính sách Xã hội xét cho TN vay qua các chương trình lên đến 275 tỉ đồng. Bên cạnh đó, vốn từ Trung ương Đoàn xét cho TN vay giải quyết việc làm khoảng 883 triệu đồng. Nhờ những nguồn vốn này, hàng năm, các cơ sở Đoàn giúp nhiều TN nông thôn nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu về vốn vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết