Tiếng Việt | English

06/04/2020 - 10:07

Phòng, chống Covid-19: Cuộc chiến không của riêng ai!

Để cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ ra Chỉ thị “Cách ly toàn xã hội” và kêu gọi người dân chung tay cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Khi lời kêu gọi được đưa ra, người dân đã lên tiếng “đáp lời”.

Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 16 về việc cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày từ 0 giờ, ngày 01-4. Người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, không tụ tập từ 2 người trở lên tại nơi công cộng nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Nhận được chỉ thị, các địa phương nhanh chóng triển khai đến người dân, vận động đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, tạm hoãn lễ, tiệc trong thời gian 15 ngày tới.

Ngày cuối cùng trước “cách ly toàn xã hội”

Trưa ngày 01-4-2020, hầu hết các cửa hàng dịch vụ ăn uống, cà phê, phòng gym tại nhiều địa phương: Bến Lức, Tân An, Châu Thành, Cần Giuộc,… đều đóng cửa. Chỉ một số cửa hàng tạp hóa, cung cấp nhu yếu phẩm duy trì hoạt động. Khắp các địa bàn trên toàn tỉnh, nhiều địa điểm kinh doanh ăn uống treo biển bán mang về, thu dọn bàn ghế. Nhiều quán cà phê trước đây rất đông khách vào buổi sáng, nay cũng đóng cửa phòng ngừa dịch bệnh. Không khí đông đúc, nhộn nhịp thường ngày thay bằng sự vắng vẻ để phòng ngừa dịch bệnh.

TP.Tân An vắng vẻ ngày cách ly toàn xã hội

Dẫu biết rằng, khi đóng cửa các dịch vụ, hạn chế phương tiện giao thông công cộng sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống nhưng người dân vẫn đồng lòng thực hiện nhằm chung tay đẩy lùi đại dịch. Chị Nguyễn Thụy Thắm (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh) kể về chuyến phà đêm 31-3: “Đêm đó, tôi từ cơ quan trở về nhà trễ. Trên chuyến phà Xã Bảy chỉ có vài người và đôi ba chiếc xe kéo. Mọi người hỏi nhau về việc ngày mai phà tạm ngừng đưa khách. Chủ phà nói với chúng tôi: Nhà nước làm vậy là rất đúng nên ủng hộ, mặc dù thu nhập của gia đình chỉ trông vào những chuyến phà đưa đón khách qua sông. Chuyến phà muộn trong đêm đặc biệt ấy, cô đã không lấy tiền một vài người có hoàn cảnh khó khăn. Mọi người tạm biệt nhau và hẹn ngày gặp lại”.

Tại bến phà Bình Tịnh (nối thị trấn Tân Trụ và huyện Châu Thành), một sợi dây căng ngang khu vực chờ phà cùng biển thông báo “phà tạm ngưng hoạt động”. Nếu là ngày thường, bến phà này đông khách đợi, phà di chuyển qua lại liên tục không có thời gian nghỉ. Từ khi lệnh cách ly toàn xã hội có hiệu lực, bến phà vắng vẻ, các quán nước 2 bên đường cũng đóng cửa. Lác đác vài chiếc xe chạy đến, nhìn thấy bảng thông báo lại lặng lẽ quay đầu. Cuộc sống dường như chậm lại!

Bến phà Bình Tịnh ngày cách ly toàn xã hội

Bến phà Bình Tịnh ngày cách ly toàn xã hội

“Đứng yên khi Tổ quốc cần”

Ông Lê An Liêm (xã Lương Bình, huyện Bến Lức) kể, ông bà đã ở nhà suốt những ngày qua. Hơn 60 tuổi, vợ chồng ông ý thức được bản thân là đối tượng cần được bảo vệ nên rất tuân thủ các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch bệnh. Ông nói: “Ngày nào vợ chồng tôi cũng nghe đài phát thanh, xem tivi để cập nhật tin tức về dịch bệnh. Trước đây, tôi hay chở bà đi ăn uống bên ngoài, đi siêu thị mua sắm mỗi dịp cuối tuần nhưng từ khi có khuyến cáo từ Chính phủ, chúng tôi chỉ ở nhà, nếu có đi ra đường cũng mang khẩu trang”. Khi các hoạt động bị hạn chế, ông bà rất đồng lòng ủng hộ.

Chấp hành nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là bảo vệ sức khỏe chính mỗi người dân và cả cộng đồng. Ý thức được điều đó, hầu hết người dân đều đồng thuận, “chịu khó” ở nhà, chung tay phòng dịch. Tại ấp Ngoài, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, mỗi chiều, các thanh niên đều tập trung chơi bóng chuyền ở sân thể thao ấp. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, sân bóng chuyền thưa người, đến nay thì vắng hẳn. Trưởng ấp Ngoài - Đinh Thanh Hoàng cho biết: “Trước đây, tôi là người vận động, khơi dậy phong trào thể thao của ấp. Nhưng vì tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi lại vận động mọi người tạm ngưng. Thông tin về dịch bệnh ai cũng biết nên khi vận động, mọi người đều đồng tình”. Sự đồng tình đó chính là chìa khóa giúp chúng ta tận dụng triệt để thời gian “vàng” kiểm soát dịch bệnh.

Góp sức chống dịch

Không chỉ nghiêm túc thực hiện hướng dẫn về phòng, chống dịch, người dân còn trở thành “hậu phương” vững chắc cho “tiền tuyến” an tâm chống dịch. Nhiều ngày nay, bà Võ Thúy Phượng (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) miệt mài may khẩu trang và quần áo cho trẻ sơ sinh để tặng những ai cần. Ngày còn trẻ, khi Tổ quốc gọi tên, bà xung phong lên đường ra mặt trận, trải bao vất vả gian lao. Ngày nay tuổi cao, sức yếu, bà lại tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ, may từng bộ quần áo, chiếc khẩu trang, chung tay cùng phòng dịch. Không sử dụng được máy may, người nữ cựu chiến binh cặm cụi may tay, mỗi đường kim mũi chỉ chất chứa biết bao tình cảm. Mỗi chiếc khẩu trang là tấm lòng của bà. Không chỉ may khẩu trang, bà Phượng còn may quần áo sơ sinh tặng các chị em khó khăn hoặc đi sinh trong những ngày cách ly toàn xã hội như là một cách động viên tinh thần, thể hiện tình yêu thương với sinh linh bé nhỏ chào đời trong giai đoạn khó khăn.

Chiếc khẩu trang bà Võ Thúy Phượng may là tấm lòng của người cựu chiến binh

Chiếc khẩu trang bà Võ Thúy Phượng may là tấm lòng của người cựu chiến binh

Ai có công góp công, ai có của góp của, mỗi người một cách, tùy theo khả năng của mình, nhưng tất cả vì mục tiêu chung “chiến thắng đại dịch”. Khi Bộ Thông tin và Truyền thông phát động cuộc vận động nhắn tin ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, em Huỳnh Uyên Nhi (học sinh Trường THCS Thanh Phú Long) cũng tham gia. Mỗi tin nhắn trị giá 20.000 đồng, không quá lớn nhưng ý thức và tấm lòng hướng về Tổ quốc mới là điều đáng quan tâm, ca ngợi. Tại huyện Châu Thành, ngay khi UBMTTQ Việt Nam huyện có thư ngỏ kêu gọi ủng hộ, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã nhanh chóng “chung tay”. Bà Châu Thị Sửng (thị trấn Tầm Vu) mang 10 triệu đồng đến UBND thị trấn ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Không có nhiều tiền để ủng hộ như bà Sửng, những người khác chọn cách đóng góp “tùy theo sức của mình”, có thể là vài trăm, vài chục chiếc khẩu trang tự may, một ít cà phê, nước rửa tay gửi cho chiến sĩ làm việc tại khu cách ly tập trung,… Chị Thụy Thắm chia sẻ, do được nhiều anh chị em tin tưởng nên khi ủng hộ, mọi người thường mang đến nhờ chị chuyển giúp.

Nhiều người chọn cách đóng góp “tùy theo sức của mình”, có thể là vài trăm, vài chục chiếc khẩu trang tự may, một ít cà phê, nước rửa tay gửi cho chiến sĩ phục vụ khu cách ly tập trung

Nhiều người chọn cách đóng góp “tùy theo sức của mình”, có thể là vài trăm, vài chục chiếc khẩu trang tự may, một ít cà phê, nước rửa tay gửi cho chiến sĩ phục vụ khu cách ly tập trung

Với tinh thần sẵn sàng phục vụ, nhiều người còn tình nguyện tham gia phục vụ tại khu cách ly tập trung khi có yêu cầu. Chị Phan Thị Tuyết Trinh (xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh) cho biết, mặc dù biết phục vụ tại khu cách ly tập trung sẽ có nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị vẫn quyết tâm tham gia. Bởi với chị, điều quan trọng hiện giờ là chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đó cũng là cách chị bảo vệ chính gia đình nhỏ của mình.

Tuy nhiên, trong khi cả hệ thống chính trị, ý Đảng - lòng dân như một để cùng phòng dịch, một số người còn phớt lờ Chỉ thị 16, tụ tập quanh bàn trà, cà phê và không đeo khẩu trang. Vài quán cà phê lén lút mở cửa mỗi sáng cho khách nhàn rỗi ngồi tụ tập. Cũng có những người trong ngày cách ly toàn xã hội, thay vì ở nhà theo khuyến cáo, họ lại ra đường, tụ tập đông người, câu cá giải khuây ngay tại công viên giữa lòng thành phố.

Trong khi cả nước chung tay, người người quyết tâm phòng dịch, một số người còn phớt lờ các quy định

Trong khi cả nước chung tay, người người quyết tâm phòng dịch, một số người còn phớt lờ các quy định

Dịch bệnh Covid-19 đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đời sống của người dân, vì vậy, mỗi người hãy nâng cao nhận thức, trở thành một “chiến sĩ” trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. “Cuộc chiến” này không phải của riêng ai mà tất cả cùng tham gia để tạo nên sức mạnh đẩy lùi Covid-19.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết