Tiếng Việt | English

28/07/2021 - 15:45

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh

2 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới được triển khai từ 2021-2025 với số vốn của ngân sách Nhà nước là hơn 271.000 tỷ đồng.


Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025

Sáng 28/7, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết quan trọng đến đời sống dân sinh: Nghị quyết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Theo đó, Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Chương trình được triển khai trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo với tổng nguồn vốn cho cả chương trình là 75.000 tỷ đồng.


Đại biểu đoàn Bắc Giang bấm nút biểu quyết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết cho phép thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương và ở địa phương, bảo đảm hạn chế sự chồng chéo, chồng lấn giữa 3 Chương trình và giao Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo ở Trung ương do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì CTMTQG giảm nghèo bền vững; giao Chính phủ có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các CTMTQG, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư; giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp và không bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hỗ trợ với các CTMTQG khác trên cùng địa bàn.

Về một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị phân loại đối tượng có khả năng thoát nghèo và không có khả năng thoát nghèo, hộ không có khả năng thoát nghèo chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV kết luận tại phiên họp thứ 58 là chuyển hộ nghèo không còn khả năng lao động, không còn khả năng thoát nghèo sang chính sách bảo trợ xã hội, do vậy, không đưa vào nội dung của Chương trình.

Về ý kiến đề nghị cần mở rộng đối tượng của Chương trình là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước; bổ sung đối tượng nghèo ở thành thị, đối tượng nghèo tha hương, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết giao Chính phủ trong quá trình điều hành tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ. Việc rà soát, xác định hộ nghèo sẽ dựa trên cơ sở chuẩn nghèo đa chiều và bộ tiêu chí đo lường các chiều nghèo.


Đại biểu biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;  60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.


Đại biểu đoàn Tiền Giang bấm nút biểu quyết

Ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội./.

Nhóm PV/VOV.VN

Chia sẻ bài viết