Tiếng Việt | English

19/06/2018 - 20:20

Những “bông hoa” trong “vườn hoa” yêu nước

66 cá nhân vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Long An trong đợt kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018) vừa qua là những tấm gương sáng, điển hình trong phong trào thi đua yêu nước.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng bằng khen cho bà Đinh Thị Ngọc Điệp (bìa phải) và chị Lê Thị Mộng Linh (thứ 6, phải qua) tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng bằng khen cho bà Đinh Thị Ngọc Điệp (bìa phải) và chị Lê Thị Mộng Linh (thứ 6, phải qua) tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc

1. Bước sang tuổi 70 nhưng bà Đinh Thị Ngọc Điệp, ngụ khu phố Bình Cư 2, phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An vẫn miệt mài tham gia công tác xã hội. Bà học ở Bác tinh thần thi đua không ngừng nghỉ. Nhớ lời Người dạy: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” nên dù tuổi cao, bà vẫn dặn lòng tùy sức của mình mà đóng góp cho địa phương. Một ngày của bà bắt đầu từ việc tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, chăm sóc vườn rau quanh nhà và đến thăm các hội viên Chi hội Người cao tuổi.

Trước đây, bà từng có hơn 15 năm đảm nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và hiện là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khu phố Bình Cư 2, giúp nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật.

Bà nói: “Từng nuôi con ăn học nên tôi hiểu được nỗi vất vả của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con theo học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Khi còn tham gia công tác tại chi hội phụ nữ, tôi vận động hội viên thành lập tổ tiết kiệm tín dụng, xây dựng mô hình tương trợ nhau; ưu tiên xét cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo các con. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để hội viên, phụ nữ cải thiện chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Để vận động hội viên tham gia sinh hoạt, bà đến từng gia đình thuyết phục. Hiện, mỗi tháng, bà dành một số tiền nhỏ để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ở khu phố,... Với những đóng góp đó, bà nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ cấp thành phố đến cấp tỉnh.

2. Gần 3 năm công tác tại xã biên giới Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, chị Lê Thị Mộng Linh - công chức Văn phòng Thống kê xã, luôn vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Nhà ở tận ấp 61, sát với nước bạn Campuchia, hàng ngày, chị Linh vượt hơn 10km trên con đường vắng, đầy bụi đến nơi làm việc. Văn phòng thống kê là nơi giúp việc, tham mưu tổng hợp và phục vụ các hoạt động của Thường trực HĐND, UBND nên chị thường tiếp xúc với nhiều loại văn bản, cập nhật những thông tin sao cho chính xác, kịp thời. Nhiều người ngán ngại công việc này nhưng chị quen với những thể thức văn bản. Đó là triển khai kế hoạch KT-XH; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thông báo cho cán bộ, công chức và người dân được biết một số thông tin cần thiết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; các văn bản về thực hiện quy chế dân chủ; thực hiện công tác quản lý tài chính, quản lý công văn đi, công văn đến hàng ngày; phân loại văn bản để tiện cho việc tra cứu; chế độ bảo mật công văn tài liệu;... Khối lượng công việc khá nhiều nên có lúc chị phải làm thêm giờ vào thứ bảy, chủ nhật. 

Đó là chưa kể những lúc đầu năm, giữa năm, cuối năm hoặc những lần chuẩn bị tài liệu cho các cuộc tiếp xúc cử tri tại xã công việc rất nhiều. “Làm việc gì cũng vậy, lúc đầu bao giờ cũng có những vướng mắc. Mỗi lần có tài liệu, văn bản liên quan, tôi phải đọc trước, tham mưu để lãnh đạo thuận tiện xử lý.

Chị Linh là tổ trưởng tổ một cửa xã, mỗi ngày, bộ phận này thường tiếp xúc với dân nên chị luôn động viên, nhắc nhở các thành viên trong tổ phải làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn người dân các thủ tục hành chính. Chị còn tham mưu tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư kịp thời; theo dõi, đôn đốc các ngành, đoàn thể giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; tham mưu thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo vào thứ 5 hàng tuần và tiếp công dân thường xuyên được thực hiện đúng quy định,... 

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị Linh còn gắn bó với nhiều công việc “không tên” khác. Mỗi lần ở xã có cuộc họp, chị đều tham gia công tác hậu cần. Vô số công việc như vậy, nhưng cuối tuần, cứ 5 giờ sáng, chị Linh vượt chặng đường dài đến TP.Tân An để học đại học, bổ sung kiến thức chuyên môn.

3. Hơn 10 năm làm Trưởng ấp 4, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, ông Nguyễn Văn Hải trở thành cầu nối đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với người dân. Một ngày của ông khá bận rộn, lúc thì đến nhà dân vận động, phổ biến những chính sách mới, lúc đi họp; tranh thủ buổi trưa, ông lại ra đồng chăm sóc lúa của gia đình,...

Với ông Nguyễn Văn Hải, còn khỏe là còn thi đua lao động, sản xuất

Với ông Nguyễn Văn Hải, còn khỏe là còn thi đua lao động, sản xuất

Là địa phương có nhiều người dân ở những nơi khác đến lập nghiệp nên ông hiểu, mình phải thuyết phục, vận động để mọi người hòa thuận, đoàn kết và hướng dẫn họ vay vốn phát triển kinh tế,...

Ấp 4 đất rộng, nhà thưa nên công tác vận động thực hiện các công trình công cộng còn gặp nhiều khó khăn. Để người dân thông suốt, ông thường xuyên trao đổi, giải thích cặn kẽ lợi ích của những công trình, từ đó mọi người đồng thuận, tích cực tham gia xây dựng các công trình tại địa phương, nhất là đường giao thông nông thôn. Trong đó, phải kể đến đường đal ấp 4 được xây dựng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, kinh phí 1,1 tỉ đồng (người dân góp 600 triệu đồng). Hay đó còn là việc ông cùng người dân trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, xây dựng nhà tiêu, hố xí hợp vệ sinh, góp phần hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Với vai trò Bí thư Chi bộ ấp, người đảng viên này tâm niệm rằng, còn khỏe thì còn phục vụ địa phương. Sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân chính là động lực để ông gắn bó, hoàn thành nhiệm vụ. Điều ông trăn trở hiện nay là ấp 4 chưa có trụ sở nên thường mượn nhà dân để sinh hoạt.

Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh - Trần Văn Cần nhận định, phong trào thi đua thể hiện tính nhân văn sâu sắc, vì theo Bác: “Trong mỗi con người đều có mặt thiện và mặt ác. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho mặt thiện sinh sôi nảy nở như hoa mùa xuân, mặt ác phải đẩy lùi”. Những nhân tố tích cực, cá nhân điển hình với những việc làm thiết thực góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh trong năm 2018, thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020)./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết