Tiếng Việt | English

08/05/2017 - 14:33

Cần Đước tập trung thực hiện 2 chương trình đột phá

Năm 2016, huyện Cần Đước, tỉnh Long An tập trung thực hiện 2 chương trình đột phá: Đầu tư khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt trên địa bàn huyện và Chương trình phát triển nông nghiệp chất lượng cao và bền vững.

Mô hình tưới tự động của nông dân trồng màu ở xã Long Khê

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện - Nguyễn Việt Cường khẳng định: Việc tập trung thực hiện 2 chương trình đột phá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của huyện Cần Đước nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương về lâu dài, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Những năm qua, huyện Cần Đước có chương trình đầu tư trọng điểm và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa việc cung cấp nước sinh hoạt, nhưng do điều kiện tự nhiên của huyện (nhất là các xã ven sông Vàm Cỏ và Rạch Cát), chất lượng nguồn nước ngầm không bảo đảm, việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, mùa khô năm 2016, khi nắng hạn, xâm nhập mặn kéo dài, có hàng ngàn hộ dân ở các xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, Tân Chánh, Phước Tuy không có nước sinh hoạt, phải nhờ sự hỗ trợ từ huyện và tỉnh chở nước về cung cấp cho các hộ gia đình,...

Từ tình hình trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đưa chương trình đột phá Đầu tư khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt trên địa bàn huyện, nhằm cải thiện tình trạng cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Năm 2016, huyện đầu tư xây dựng 4 công trình khai thác, cung cấp nước sinh hoạt tại các xã Long Sơn, Phước Tuy, Long Hựu Đông với kinh phí trên 4 tỉ đồng. Riêng công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Long Hựu Tây được sự thống nhất của UBND tỉnh, công trình này do tư nhân đầu tư với kinh phí 4 tỉ đồng, bao gồm: Giếng khoan, hệ thống lọc và tuyến đường ống trên 6km được đưa vào sử dụng trong mùa khô năm 2017, góp phần bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong xã.

Ngoài công trình cấp nước do huyện đầu tư, chương trình cung cấp nước sinh hoạt của tỉnh hỗ trợ Cần Đước hoàn thành việc xây dựng nhà máy nước tại xã Mỹ Lệ với công suất 3.000m3/ngày. Hiện nay, nguồn nước từ nhà máy đưa vào phục vụ người dân các xã: Mỹ Lệ, Tân Lân và thị trấn Cần Đước. Ban quản lý công trình huyện tiếp tục triển khai hệ thống ống và trạm bơm cao áp để đưa nước từ nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các xã: Phước Đông, Long Hựu Đông và Long Hựu Tây.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, ngành nông nghiệp huyện tập trung xây dựng 3 cánh đồng lúa chất lượng cao tại các xã: Tân Ân, Phước Đông, Phước Vân, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quy trình canh tác hiệu quả cho nông dân, thử nghiệm các giống lúa mới, chọn lọc các giống lúa đặc sản của địa phương: Tài nguyên, Nàng Thơm Chợ Đào, sản xuất gạo an toàn, xây dựng thương hiệu, khép kín quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng giá trị nông sản.

Bên cạnh cây lúa, huyện hoàn thành quy hoạch vùng trồng màu chuyên canh với diện tích 730ha ở các xã vùng thượng, vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao trong việc trồng màu nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện tại, ngành nông nghiệp huyện xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông về trồng rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020, xây dựng 5 mô hình rau ứng dụng công nghệ cao tại 4 xã: Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân.

Ngoài ra, nuôi tôm và chăn nuôi gia cầm cũng là thế mạnh của huyện. Vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, ngành nông nghiệp phối hợp Sở Khoa học Công nghệ tổ chức các mô hình điểm, vận động nông dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao; đến nay, toàn huyện có khoảng 5% diện tích nuôi tôm theo mô hình công nghiệp mang lại hiệu quả khá tốt.

Với sự tập trung lãnh đạo của Huyện ủy, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Cần Đước tiếp tục đề ra những giải pháp hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn, tập trung thực hiện 2 chương trình đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi cảnh quan môi trường, xứng tầm là huyện văn hóa của tỉnh, huyện Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới./.

Kim Khánh

Chia sẻ bài viết