Tiếng Việt | English

16/04/2020 - 14:31

Tiếng loa mùa dịch

Tiếng loa phát thanh ở cơ sở trong mùa dịch Covid-19 càng trở nên ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức phòng, tránh dịch bệnh cho người dân.

Tiếng loa - người bạn thân quen

Những ngày qua, bàn trà quen thuộc nơi góc vườn của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ ấp Nam, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tạm thời vắng khách. Thay vào đó, sáng sớm, sau khi thức dậy, bà quét dọn nhà cửa, rửa tay, đeo khẩu trang rồi đi bộ ra chợ xã gần nhà để mua thức ăn sáng đem về. “Bình thường, mỗi khi ra chợ, toàn là người quen nên chúng tôi hay trò chuyện rôm rả. Mấy ngày nay, tôi chỉ đi ra ngoài khi thật sự có việc cần thiết” - bà nói. Không những vậy, khi ở nhà trông chừng cháu nội, ngoại, ông bà cũng thường nhắc nhở tụi nhỏ rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn để phòng dịch bệnh,... Tất cả là nhờ hệ thống loa truyền thanh xã phát thông tin hàng ngày về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bà bộc bạch: “Những ngày qua, cứ đến giờ cố định, chúng tôi lại trông chờ tiếng loa quen thuộc tuyên truyền về tình hình dịch bệnh. Nhờ nắm bắt đầy đủ thông tin về dịch bệnh qua hệ thống loa truyền thanh, mặc dù phải hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc nhiều người, chúng tôi vẫn đồng tình”.

Còn ông Nguyễn Hữu Tường, ngụ ấp Bằng Lăng, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, chia sẻ, vợ chồng ông lớn tuổi nên mắt kém, không thể đọc báo, xem tivi nhiều. Vì vậy, nhờ có hệ thống truyền thanh cơ sở, ông bà hiểu thêm về dịch bệnh Covid-19. Một số người dân hiện chưa thực sự ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, việc tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh trên địa bàn thật sự ý nghĩa, hiệu quả trong giai đoạn chống dịch cấp bách như hiện nay.

Những ngày xảy ra dịch bệnh Covid-19, công việc của những người làm truyền thanh cơ sở như anh Nguyễn Lê Duy - cán bộ Đài Truyền thanh xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, lại nhiều hơn. Anh cho biết, bình thường, Đài Truyền thanh xã tiếp sóng các chương trình từ 4-5 lần/ngày nhưng khoảng 1 tháng nay, thời lượng tăng lên 6 lần/ngày với các khung giờ cố định. Mùa dịch, anh bận bịu hơn ngày thường, không chỉ làm nhiệm vụ phát thanh tại cơ sở mà còn kiêm thêm việc đi tuyên truyền lưu động. Anh không hề thấy mệt nhọc, chỉ cần người dân hiểu được, cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19 là anh thấy vui.

Những tuyên truyền viên “bất đắc dĩ”

Những ngày qua, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Tuyết Mai kiêm thêm nhiệm vụ tuyên truyền viên “bất đắc dĩ”, chở những loa tay đi phát thanh. Khoảng 11 giờ 30 phút, sau khi hoàn thành công việc chuyên môn, chị Mai cùng một đoàn viên thanh niên xã chạy xe, chở theo loa di động đi đến xóm Tiệm, ấp Thạnh Trung để tuyên truyền về dịch bệnh. Sau thời gian 40-60 phút tùy chương trình, giữa trưa nắng, chị về nhà nghỉ ngơi để tiếp tục công việc của buổi chiều.

Giữa trưa nắng, chị Mai đi phát thanh lưu động trong ấp Thạnh Trung

Chị chia sẻ: “Nhiều hộ dân sống không tập trung, cụm loa ở ấp không phát đến được nên  phải tuyên truyền lưu động. Đây không phải là chuyện của riêng ai mà trách nhiệm của tất cả mọi người. Mỗi người góp một chút sức để chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.

Xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An có 4 cụm loa ở 4 ấp. Trước đây, hệ thống loa phát thanh 2 lần/ngày, nay tăng lên 4 lần/ngày. Ngoài các trạm truyền thanh của xã, mùa dịch, chị Nguyễn Thị Diệu Linh - công chức văn hóa - xã hội xã, còn tăng cường phát thanh lưu động. Trên chiếc xe gắn máy thân quen, chị chở theo loa cầm tay và một loa phóng xa, phát những thông tin về những văn bản liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Chính phủ, tỉnh, thành phố, hướng dẫn cách đeo khẩu trang, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến dịch bệnh; vận động người dân hạn chế tổ chức lễ hội, đám giỗ, đám cưới, tạm dừng các hoạt động vui chơi, tụ tập, kinh doanh,...

Những ngày có dịch, chị Linh kiêm thêm nhiệm vụ là tuyên truyền viên “bất đắc dĩ”

Chị bộc bạch: “Tiếng loa hữu ích lắm! Như lúc đầu, người dân hoang mang, hiểu lầm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội là “ngăn sông cấm chợ” nên đi mua đồ về tích trữ. Nắm được tình hình đó, thành phố gửi thông tin, chúng tôi lập tức đi phát loa ngay để giải thích cho người dân hiểu”.

Trong các kênh thông tin, phát thanh là một hình thức gọn nhẹ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Trong lúc “chống dịch như chống giặc”, những tiếng loa, những tuyên truyền viên “bất đắc dĩ” lại trở nên thân quen, hữu ích hơn.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích