Tiếng Việt | English

11/01/2018 - 16:01

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải nhận được sự đồng thuận của nhân dân, nhà đầu tư

Ngày 11/01, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 56 ngày 13/11/2014 của UBND tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Được chủ trì hội nghị.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An – Phan Nhân Duy, sau 3 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định 56 của UBND tỉnh, tổng diện tích đất thu hồi toàn tỉnh trên 810ha, với 14.095 hộ dân bị ảnh hưởng. Số lượng các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh 285 dự án, trong đó có các công trình trọng điểm và các dự án lớn gồm dự án Đường tỉnh 830, dự án đường vành đai TP.Tân An, các dự án đường, điện,... Tính đến nay, các đơn vị chi trả bồi thường, hỗ trợ với số tiền trên 1.796 tỉ đồng.

Các đại biểu dự hội nghị

Nhìn chung, từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành và Quyết định số 56 của UBND tỉnh tạo hành lang pháp lý áp dụng thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư được nhiều thuận lợi, thống nhất.

Nhiều địa phương xem công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ thỉnh đến cơ sở, tạo sự thống nhất nội bộ và đồng thuận cao  trong nhân dân. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong vùng chuyển mục đích sử dụng đất, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Bên cạnh những kết quả, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, vướng mắc kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Nhiều dự án đầu tư trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc bị tác động giá đất tại TP.HCM tăng liên tục, dẫn đến người dân không đồng ý nhận tiền bồi thường; một số chủ đầu tư còn chậm giao nền tái định cư, chậm triển khai dự án hoặc gặp khó khăn về tài chính, không huy động được nguồn vốn để chi trả. Hệ số hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm khi thu hồi đất nông nghiệp giảm chưa được người dân đồng thuận cao,…

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương, các sở, ngành cũng có những ý kiến, đóng góp. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng – Nguyễn Hữu Hồng cho rằng, đối với việc áp dụng hệ số chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm khi thu hồi đất nông nghiệp cần có cơ chế áp dụng theo từng vùng, từng khu vực, địa phương để tạo đồng thuận trong nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc – Nguyễn Anh Đức, hiện nay, những địa phương giáp ranh TP. Hồ Chí Minh cần tăng hệ số chuyển đổi từ 0,4 lên 1,5 đến 2,5 lần để tạo thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến cho dự thảo về Quyết định ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh trước khi ban hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Được khẳng định, sau 3 năm thực hiện Quyết định 56 của UBND tỉnh, công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có quỹ đất sạch để triển khai các dự án.

Ông Nguyễn Văn Được cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận tất cả các ý kiến của các địa phương, nhất là việc nghiên cứu điều chỉnh hệ số hỗ trợ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất bồi thường phải nhận được sự đồng thuận của nhân dân, của nhà đầu tư và sát với giá thị trường./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết