Tiếng Việt | English

14/06/2022 - 08:29

Cần tiếp tục mô hình thanh tra cấp huyện như Luật Thanh tra hiện hành  

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 13/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, đóng góp dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An đề nghị tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện như Luật Thanh tra hiện hành, nhằm giúp cho công tác quản lý nhà nước của UBND cùng cấp về công tác thanh tra được thực hiện thường xuyên, đáp ứng yêu cầu trong công tác điều hành, quản lý xã hội theo nguyên lý “ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó có thanh tra”.

Đại biểu Trần Quốc Quân cho rằng, Ban soạn thảo đã đưa quy định về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ra khỏi dự thảo luật là một trong những nội dung mới của hoạt động thanh tra vì nó thể hiện sự độc lập trong hoạt động thanh tra hành chính nhà nước và hoạt động thanh tra, giám sát trong nội bộ cơ quan và cơ sở, khắc phục được sự chồng chéo trong các hoạt động thanh tra và nội dung thanh tra.

Về hệ thống thanh tra theo cấp hành chính ở mục 1, 4, 6 Chương 2, đại biểu Trần Quốc Quân đề nghị cần tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra huyện như Luật Thanh tra hiện hành, với các lý do cụ thể: Hệ thống thanh tra cấp huyện đã có quá trình hình thành, phát triển lâu dài, ổn định. Hoạt động của cơ quan này đã giúp cho công tác quản lý Nhà nước của UBND cùng cấp về công tác thanh tra được thực hiện thường xuyên, đáp ứng yêu cầu trong công tác điều hành, quản lý xã hội theo nguyên lý “ở đâu có quản lý Nhà nước thì ở đó có thanh tra”.

Đồng thời, giúp cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hiện pháp luật một cách đồng bộ và bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Luật hiện hành, cụ thể là khoản 8, Điều 29 Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Điều 25 và khoản 3, Điều 63 Luật Khiếu nại; khoản 1, Điều 32 Luật Tố cáo; Điều 60 Luật Phòng, chống tham nhũng.

Thời gian tới, trước sự phát triển KT - XH và hội nhập quốc tế, đại biểu Trần Quốc Quân còn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về việc thành lập thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khi được thành lập theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Về thành lập thanh tra cấp Tổng cục, Cục, đại biểu Trần Quốc Quân cho rằng cần phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với thanh tra Bộ, không dàn điều mà cần quy định cụ thể về tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra cấp Tổng cục, Cục để vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, vừa đảm bảo tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Theo đó, các Tổng cục, Cục thuộc Bộ đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cần phải rà soát lại, cơ quan nào thực sự cần thiết và có khả năng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì mới được thành lập cơ quan thanh tra.

Qua đó, góp phần tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra như quan điểm xây dựng Luật đã đề ra.

Đại biểu Trần Quốc Quân còn đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để bổ sung đầy đủ các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của đối tượng bị thanh tra; quy định rõ hơn về quyền của thanh tra viên trong việc xác minh, kê biên tài sản của đối tượng thanh tra. Đồng thời, bổ sung thêm 1 chương quy định về công tác kiểm tra sau khi thanh tra (công tác hậu kiểm) để theo dõi quá trình thực thi kết luận thanh tra và bổ sung thêm thẩm quyền ban hành quyết định đoàn thanh tra liên ngành, mối quan hệ công tác, quy chế báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra liên ngành để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động này trong thời gian tới./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết