Tiếng Việt | English

25/07/2019 - 15:12

Long An: Phổ biến thông tin về “Hội nhập kinh tế quốc tế - tư duy, hành động của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp”

Sáng 25/7, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị thông tin về “Hội nhập kinh tế quốc tế - tư duy, hành động của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp” cho cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh.

Đại biểu tham gia hội nghị

Đại biểu tham gia hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) diễn ra ngày càng sâu, rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và chi phối đến phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Việt Nam tham gia ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do, thì đối tượng chịu tác động trực tiếp là doanh nghiệp và nông dân. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp của cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phổ biến thông tin tại hội nghị

PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phổ biến thông tin tại hội nghị

Tham gia hội nghị, các đại biểu được nghe PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giới thiệu các chuyên đề: Các cam kết Việt Nam đã ký với các nước (Hiệp định CPTPP, EVFTA, Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc và các Hiệp định Việt Nam đã ký) và cơ hội, thách thức và giải pháp đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; những đề xuất với nhà nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, thời gian qua, sự phát triển về sản xuất, thương mại nông sản của Việt Nam đã góp phần tích cực cho sự phát triển nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra thời cơ và thách thức đan xen đối với cơ quan quản lý Nhà nước lẫn doanh nghiệp. Đó là những rào cản kỹ thuật và thương mại từ các nước nhập khẩu, những yếu kém nội tại của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp sẽ có lợi thế khi thay đổi toàn diện từ tư duy chiến lược đến tổ chức bộ máy, phương thức và hoạt động kinh doanh, cách thức điều hành kinh tế để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đối với nông sản phải có giá thành hợp lý; thương hiệu; sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận; công nghệ bảo quản sau thu hoạch hấp dẫn và truy xuất nguồn gốc; bảo đảm an toàn thực phẩm./.

 Mai Hương 

Chia sẻ bài viết